Trong giai đoạn dậy thì, tình trạng thiếu máu thiếu sắt ở trẻ rất hay xảy ra , làm suy giảm trí nhớ. Sự thiếu hụt chất sắt cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và gây áp lực, mệt mỏi cho trẻ. Hãy cùng Iron Woman giải đáp những thắc mắc thường gặp về tình trạng thiếu máu ở tuổi dậy thì nhé!
Nguyên nhân khiến trẻ dậy thì gặp tình trạng thiếu máu
Dậy thì là giai đoạn mà trẻ cần nhiều dinh dưỡng để có thể phát triển toàn diện về chiều cao, cơ bắp và chức năng sinh dục. Do đó, chế độ dinh dưỡng không cân đối, thậm chí thiếu chất kéo dài cũng có thể dẫn tới thiếu máu. Những nguyên nhân gây thiếu máu thường gặp nhất là:
- Không ăn đầy đủ các thực phẩm giàu chất sắt hoặc các chất cần thiết cho việc tăng hấp thụ sắt như vitamin C.
- Cơ thể phát triển quá nhanh trong khi lượng sắt dự trữ không đủ.
- Ăn kiêng quá mức gây ra thiếu hụt dinh dưỡng cho cơ thể.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên ăn những đồ ăn chế biến sẵn, ít dinh dưỡng như đồ ăn vặt, nhiều dầu mỡ…
- Có các bệnh lý về đường tiêu hóa khiến hấp thu sắt kém.
- Các trẻ em gái còn có thể gặp tình trạng thiếu máu ở tuổi dậy thì do mất đi lượng máu lớn nếu chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hoặc chảy máu quá nhiều.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của thiếu máu ở tuổi dậy thì là gì?
Khi trẻ gặp phải tình trạng thiếu máu ở tuổi dậy thì, các dấu hiệu sau đây có thể xuất hiện:
- Trẻ cảm thấy cơ thể yếu ớt và luôn trong tình trạng mệt mỏi, nhất là sau khi thực hiện các hoạt động thể lực.
- Chóng mặt, choáng váng, thậm chí dễ bị ngất xỉu.
- Da nhợt nhạt, xanh xao.
- Dễ kích động, thậm chí cả với những vấn đề nhỏ.
- Tim đập nhanh hoặc nghe thấy tiếng rì rầm trong tim. Điều này chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe.
- Chán ăn, ăn không tiêu.
- Đau đầu, dễ chóng mặt.
Nếu thiếu máu nặng hơn, trẻ dậy thì có thể gặp các triệu chứng như:
- Tròng trắng mắt chuyển sang màu hơi xanh hoặc trắng dã.
- Dễ gãy móng tay, rụng tóc.
Trẻ dậy thì bị thiếu máu có nguy hiểm không?
Thiếu máu có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập ở trường, giảm đi sự tỉnh táo và chú ý của trẻ. Ngoài ra, mức chất sắt thấp trong thiếu máu có thể khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều kim loại chì, gây hại cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ về sau.
Phương pháp khắc phục tình trạng thiếu máu ở tuổi dậy thì
1. Thay đổi chế độ sinh hoạt
Chế độ ăn uống và luyện tập đóng vai trò không thể thiếu trong việc điều trị và phòng ngừa thiếu máu ở độ tuổi dậy thì. Trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày, bạn nên chú ý bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm giàu sắt, điển hình là:
- Thịt nạc, thịt gia cầm và cá
- Ngũ cốc giàu chất sắt, bánh mì và mì ống
- Trái cây khô (mơ, nho khô, mận khô)
- Rau lá xanh (cải bó xôi, cải rổ, cải xoăn)
- Ngũ cốc (ngô, lúa mạch, các loại khoai…)
- Đậu, đậu Hà Lan và các loại hạt
- Trứng
Trong đó, các loại thịt động vật có chứa sắt heme, loại sắt có khả năng được cơ thể hấp thụ tốt. Ngược lại, rau quả và các loại hạt chứa sắt non-heme, tỷ lệ hấp thụ loại sắt này của cơ thể cũng kém hơn.
Bên cạnh đó, các loại rau quả chứa hàm lượng vitamin C lớn cũng rất tốt cho sự phát triển của trẻ trong độ tuổi này do vitamin C giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
Thể dục thể thao là hoạt động tốt cho mọi lứa tuổi, nhất là độ tuổi đang phát triển. Bạn nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể lực thường xuyên, nhất là các bài tập thư giãn tinh thần như yoga, aerobic, đi bộ, bơi lội…
Đồng thời, trẻ dậy thì nên có thói quen đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe và sự hoạt động ổn định của các cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, nên cho trẻ thư giãn đầu óc khi mệt mỏi, tránh học tập quá mức gây căng thẳng.
2. Sử dụng viên uống bổ sung sắt
Đa phần các trường hợp thiếu máu ở tuổi dậy thì là do lượng sắt, acid folic, vitamin B12 cung cấp không đủ hoặc mất đi quá nhiều qua chu kỳ kinh nguyệt. Trong một số trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định những chất này dưới dạng viên uống để bổ sung.
Bạn nữ ở tuổi dậy thì bắt đầu có kinh nguyệt có thể ngăn ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt bằng cách uống vitamin tổng hợp có chứa sắt. Liều được khuyên dùng là 8 mg sắt mỗi ngày cho trẻ ở độ tuổi từ 9 đến 13. Bạn nữ từ 14 đến 18 tuổi cần hấp thụ 15 mg mỗi ngày, trong khi đó bạn nam ở cùng độ tuổi chỉ cần 11 mg sắt mỗi ngày.
Sắt được hấp thu tốt nhất khi được uống giữa các bữa ăn. Do đó, trẻ dậy thì nên uống thuốc vào khoảng thời gian giữa bữa ăn sáng và ăn trưa, hoặc giữa bữa trưa và bữa tối.
Vitamin C giúp cơ thể hấp thụ chất sắt dễ dàng hơn nên bạn có thể cho bé dùng viên uống bổ sung sắt cùng với đồ uống có nhiều vitamin C như nước trái cây, nước cam, chanh.
Tuy nhiên, canxi lại ức chế khả năng hấp thụ chất sắt, do đó trẻ không nên uống thuốc sắt chung với sữa. Caffeine trong trà và cà phê cũng gây cản trở hấp thụ sắt.
Bên cạnh đó, bạn không được lạm dụng chất sắt vì liều cao có thể gây nguy hiểm. Thừa chất sắt có thể gây táo bón, nóng trong hay thậm chí là tổn thương hệ tiêu hóa.
Xem thêm:
7 triệu chứng của bệnh thiếu máu mà nữ giới không nên bỏ qua
Nguồn tham khảo:
Anemia – https://kidshealth.org/en/teens/anemia.html
Iron – https://kidshealth.org/en/parents/iron.html
Dietary Iron and Iron Supplements – https://www.webmd.com/diet/supplement-guide-iron