Lỡ hẹn với ngày “đèn đỏ” đôi lúc sẽ khiến các bạn nữ hết sức lo lắng. Bị trễ kinh có phải là báo hiệu đáng lo về sức khỏe? Hãy cùng Iron Woman tìm hiểu 8 nguyên nhân khiến bạn bị trễ kinh nhé!
Những điều cần biết về chu kỳ kinh nguyệt
Trễ kinh xảy ra vì nhiều lý do khác ngoài mang thai. Nguyên nhân bị trễ kinh có thể từ mất cân bằng nội tiết tố đến các tình trạng nghiêm trọng khác mà cơ thể đang phải chịu.
Sẽ có đôi ba lần trễ kinh trong cuộc đời của một người phụ nữ: khi những kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện và khi thời điểm mãn kinh bắt đầu. Hãy yên tâm rằng, những lần “trễ hẹn” này là hoàn toàn bình thường. Có thể hiểu rằng, khi bạn trải qua những thay đổi về mặt sinh lý, chu kỳ kinh nguyệt cũng bị tác động.
Hầu hết phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh thường có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài trong khoảng thời gian 28 ngày hoặc có thể dao động từ 21-35 ngày một cách đều đặn mỗi tháng. Tuy nhiên, việc người bạn này đến trễ 7-10 ngày có thể sẽ khiến bạn lo lắng.
8 nguyên nhân gây trễ kinh
Nếu một ngày nào đó bạn nhận ra mình bị trễ kinh nhưng biết chắc rằng mình không mang thai, đó có thể là do một trong những lý do sau:
1. Bị stress
Căng thẳng có thể làm suy giảm hormone, khiến thói quen hàng ngày bị thay đổi và thậm chí ảnh hưởng đến phần vùng dưới đồi của não, nơi chịu trách nhiệm cho việc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt. Theo thời gian, stress có thể dẫn đến bệnh tật hoặc các vấn đề sức khỏe khác, những điều có thể gây trễ kinh.
Nếu bị stress, bạn hãy thử thực hiện các liệu pháp thư giãn và thay đổi lối sống. Tập luyện thể thao, yoga, sống lành mạnh và khoa học có thể giúp cô bạn nguyệt san đến đúng hẹn hơn.
2. Thiếu cân quá mức
Nếu bạn gặp phải tình trạng rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chứng chán ăn hoặc kiêng khem quá mức, bạn có thể bị trễ kinh. Thiếu cân quá mức làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, rối loạn và gây ra tình trạng ngừng rụng trứng, khiến bạn bị chậm kinh.
Bạn nên điều trị rối loạn ăn uống và tăng cân một cách lành mạnh để chu kỳ có thể trở lại bình thường.
Mời bạn tham khảo thêm bài viết: “Khám phá chế độ dinh dưỡng vàng cho bạn gái tuổi dậy thì“
3. Béo phì
Tương tự như thiếu cân, béo phì cũng có thể làm thay đổi nội tiết tố, gây ra rối loạn kinh nguyệt. Bạn cần lập cho mình kế hoạch ăn kiêng và tập thể dục nếu đã xác định được rằng béo phì là một yếu tố gây trễ kinh.
4. Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) khiến cơ thể sản xuất nhiều nội tiết tố nam androgen. Các u nang hình thành trên buồng trứng chính là kết quả của sự mất cân bằng hormone. Điều này có thể làm cho trứng rụng không đều hoặc ngừng rụng trứng hoàn toàn. Buồng trứng đa nang cũng có thể gây mất cân bằng insulin do sự kháng insulin của tình trạng này.
Điều trị buồng trứng đa nang sẽ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng. Bác sĩ có thể kê thuốc tránh thai để giúp điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
5. Sử dụng các biện pháp tránh thai
Thuốc tránh thai có chứa các loại hormone estrogen và progestin sẽ ngăn chặn việc rụng trứng. Có thể mất đến 3 tháng để chu kỳ ổn định khi dùng thuốc và 6 tháng để kinh nguyệt ổn định trở lại sau khi ngừng thuốc. Các loại biện pháp tránh thai khác như que cấy hoặc tiêm thuốc tránh thai cũng có thể gây ra trễ kinh.
6. Mắc bệnh mãn tính
Các bệnh mãn tính như tiểu đường và bệnh celiac (không dung nạp gluten) cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Những thay đổi về lượng đường trong máu có liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố. Do đó, trong một số trường hợp, bệnh tiểu đường cũng có thể khiến bạn bị trễ kinh nếu không được kiểm soát hiệu quả.
Bệnh celiac có thể gây viêm và dẫn đến một số tổn thương ở ruột non. Điều này có thể ngăn cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị trễ hoặc không có kinh.
7. Tiền mãn kinh sớm
Hầu hết phụ nữ sẽ bắt đầu mãn kinh ở độ tuổi 45 đến 55. Phụ nữ phát triển các triệu chứng mãn kinh trước 40 tuổi được xem là tiền mãn kinh sớm. Điều này có nghĩa là nguồn trứng đang dần cạn kiệt, dẫn đến việc bị chậm kinh và mất kinh nguyệt.
8. Gặp vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc hoạt động kém cũng có thể là nguyên nhân của tình trạng trễ kinh. Tuyến giáp có vai trò điều chỉnh sự trao đổi chất của cơ thể, do đó mức độ hormone cũng có thể bị ảnh hưởng khi tuyến giáp gặp vấn đề.
Các vấn đề về tuyến giáp thường có thể được điều trị bằng thuốc. Sau khi điều trị, chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ có thể trở lại bình thường.
Khi nào bạn nên gặp bác sĩ?
Một số nguyên nhân gây chậm kinh liên quan đến lối sống sẽ có thể được giải quyết từ chính bản thân bạn. Tuy nhiên, một số lý do khiến kinh nguyệt bị trễ lại xuất phát từ các bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Xuất huyết âm đạo nhiều bất thường.
- Sốt.
- Đau dữ dội.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày.
- Xuất huyết âm đạo sau khi bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh và không có kinh nguyệt trong 1 năm.
Xem thêm:
Màu sắc kinh nguyệt nói lên điều gì về cơ thể của bạn?
Rong kinh kéo dài ở tuổi dậy thì có liên quan bệnh thiếu máu, vô sinh
Nguồn tham khảo:
Why Is My Period Late: 8 Possible Reasons – https://www.healthline.com/health/womens-health/why-is-my-period-late