Mái tóc đẹp là niềm kiêu hãnh của nhiều chị em phái nữ. Tuy nhiên, không phải chị em nào cũng sở hữu một mái tóc bồng bềnh bóng mượt. Nỗi ám ảnh của nhiều người với mái tóc chính là rụng tóc. Đừng lo lắng! Hãy cùng Iron Woman bỏ túi bí kíp trị rụng tóc từ các chuyên gia uy tín nhé!
1. Kiểm tra hàm lượng hormone để trị rụng tóc
Theo Tiến sĩ Mark Carney, một bác sĩ, chuyên gia nghiên cứu dinh dưỡng và liệu pháp thiên nhiên tại Thriveology, Denver, Colorado đã cho biết: “Testosterone được chuyển hóa thành estrogen nhưng cũng đồng thời có thể theo con đường khác chuyển hóa thành DHT (dihydrotestosterone)”.
Hormone DHT liên kết với androgen receptor cho ra phức hợp hormon-receptor tác động vào chu trình mọc tóc, làm giai đoạn phát triển ngắn lại, các nang tóc nhỏ đi khiến các sợi tóc ngắn lại, mỏng hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hói đầu ở nam và nữ (còn gọi là rụng tóc androgenetic).
Một số người gặp phải tình trạng “suy giảm hormone” này do di truyền, nhưng cũng có người là do chế độ ăn uống, lối sống và môi trường sống tác động. Thông qua một số xét nghiệm có thể xác định lượng hormone trong máu, sau đó bác sĩ sẽ phân tích tình trạng và đưa ra các hướng điều trị rụng tóc phù hợp, giúp tóc mọc nhanh hơn.
2. Ngưng tạo kiểu tóc liên tục
Nhu cầu làm đẹp của chị em không tránh khỏi việc thay đổi các kiểu tóc liên tục giúp mái tóc thêm phần cá tính, hợp với xu hướng và phong cách thời trang của bản thân. Điều này cũng vô tình khiến mái tóc tổn hại, làm chẻ ngọn, khô cứng và rụng tóc.
Các tác nhân gây nên việc rụng tóc và hư hại mái tóc bao gồm các hóa chất, dụng cụ kẹp tóc, kéo tóc và nhiệt độ làm tóc gây nên. Chúng làm mất đi màu sắc tự nhiên của mái tóc, bên cạnh đó còn phá hỏng các dưỡng chất, độ ẩm vốn có của mái tóc.
Để hạn chế rụng tóc từ việc tạo kiểu tóc khi làm tóc bạn nên hạn chế các sản phẩm chứa hóa chất độc hại, tẩy mạnh tóc. Giãn thời gian tạo kiểu cho mái tóc giúp tóc có thời gian phục hồi. Bạn cũng có thể sử dụng thêm các dưỡng chất phủ cho mái tóc, ăn uống khoa học bổ sung dưỡng chất cần thiết cho mái tóc.
3. Sử dụng thuốc điều trị rụng tóc
Mặc dù, bạn áp dụng rất nhiều cách trị rụng tóc khác nhau, nhưng tóc vẫn tiếp tục rụng. Bạn nên đến gặp các bác sĩ để được kiểm tra kỹ hơn và uống thuốc điều trị rụng tóc.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán và kê một số đơn thuốc giúp bổ máu, kích thích mọc tóc phù hợp với bạn. Quá trình này thường kéo dài từ 6 tháng để theo dõi và kê thuốc điều trị phù hợp, ngăn ngừa rụng tóc.
Hai loại thuốc được biết nhiều trong việc điều trị rụng tóc là Minoxidil và Finasteride. Minoxidil (biệt dược Rogaine) là một dược liệu được FDA phê chuẩn, có công dụng điều trị rụng tóc nhưng phải được sử dụng nhất quán mới cho ra hiệu quả, loại thuốc này đòi hỏi phải kiên trì từ 6 tháng điều trị. Finasteride (biệt dược Propecia) là một thuốc cần được bác sĩ kê đơn nhưng chỉ dành riêng cho nam giới.
4. Trị rụng tóc bằng laser
Dùng laser điều trị rụng tóc là một trong những phương pháp thịnh hành gần đây. Nó được Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt liệu pháp sử dụng laser để trị rụng tóc do di truyền ở nam và nữ.
Phương pháp điều trị rụng tóc bằng laser dùng mức độ ánh sáng laser thấp được cho da đầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy ánh sáng laser hỗ trợ sự phát triển của các nang tóc mới, kích thích mọc tóc.
5. Cấy tóc
Đối với những trường hợp rụng tóc quá nhiều trong thời gian dài thì phương pháp cấy tóc được nhiều người lựa chọn vì khả năng phục hồi khá nhanh và đạt được hiệu quả mong muốn.
Cấy tóc là một thủ thuật y khoa nhằm làm cho lông hoặc tóc mọc tại vùng da mà trước đó không có cho những người bị rụng tóc nhiều hoặc hói đầu lâu năm. Phương pháp này phải được tiến hành bởi những bác sĩ có kinh nghiệm tại các cơ sở ý tế có đủ điều kiện.
Quá trình cấy tóc, bác sĩ sẽ lấy ra những mảng da đầu nhỏ (mỗi mảng chứa từ một đến vài sợi tóc) ở phía sau đầu hoặc vùng quanh đầu của bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ thực hiện cấy nang tóc vào phần hói ở đỉnh đầu.
Để lựa chọn đúng phương pháp trị rụng tóc hiệu quả người bị rụng tóc phải xác định được nguyên nhân cốt lõi. Xác định được nguyên nhân rụng tóc giúp bạn chọn cách điều trị phù hợp với bản thân hơn. Nếu bạn thấy khó khăn trong việc tìm hiểu nguyên nhân rụng tóc, bạn nên đến thăm khám ở các trung tâm y tế uy tín để bác sĩ theo dõi và tư vấn giúp nhé.
Xem thêm:
Mối liên hệ giữa thiếu máu thiếu sắt và rụng tóc
Nguồn tham khảo:
Androgenetic alopecia – https://ghr.nlm.nih.gov/condition/androgenetic-alopecia
Topical minoxidil fortified with finasteride – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4314881/
6 solutions for hair loss – https://www.foxnews.com/health/6-solutions-for-hair-loss