Ferrovit

Phụ nữ có thai nên ăn gì và kiêng gì để thai nhi khỏe mạnh?

Phụ nữ có thai nên ăn gì và kiêng gì để thai nhi khỏe mạnh?

Dinh dưỡng trong giai đoạn mang thai là vô cùng quan trọng đối với thai nhi. Phụ nữ có thai nên ăn gì và không nên ăn gì để thai nhi khỏe mạnh? Làm thế nào để có một chế độ ăn đủ chất cho cả mẹ và bé thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng Iron Woman tìm hiểu những kiến thức dinh dưỡng mẹ bầu cần nắm vững.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với phụ nữ có thai

Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng gì đến thai nhi?

Dinh dưỡng của người mẹ kém là yếu tố chính góp phần vào sự phát triển của thai nhi kém, làm tăng nguy cơ sinh non, sảy thai, thai nhi nhiễm bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tình trạng dinh dưỡng của mẹ khi mang thai đóng vai trò quan trọng hơn yếu tố di truyền khi xác định sức khỏe và khuynh hướng mắc bệnh mãn tính của thai nhi.

Khi phụ nữ có thai, dinh dưỡng đóng góp vào quá trình hình thành và phát triển thai nhi. Một bào thai cũng có thể tự điều chỉnh sự trao đổi chất và thích nghi với chế độ dinh dưỡng khi còn trong bụng mẹ. Ví dụ, một thai nhi thiếu dinh dưỡng, không nhận đủ chất dinh dưỡng đa lượng hoặc năng lượng sẽ tự thích nghi bằng cách giảm sản xuất glucose và insulin, cuối cùng thai nhi chậm phát triển, có nguy cơ sinh non, sinh thiếu ký.

Trong nhiều trường hợp, chế độ ăn cho mẹ bầu thiếu dinh dưỡng có thể làm rối loạn quá trình trao đổi chất của thai nhi, bé sau này dễ mắc bệnh về chuyển hóa như bệnh tiểu đường. Ngoài ra, thai nhi cũng học cách thích nghi với “môi trường” thiếu dinh dưỡng bằng cách, ưu tiên dưỡng chất để bảo vệ và phát triển não, đồng thời sẽ làm thiếu hụt dinh dưỡng để phát triển thận, cơ bắp, hệ thống nội tiết.

Khi thai nhi buộc phải thích nghi trong sự phát triển nghèo dinh dưỡng, khả năng sau sinh trẻ bị biếng ăn là rất cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong quá trình mang thai, nếu mẹ tiêu thụ quá nhiều chất béo, đường, nguy cơ em bé sau này cũng có xu hướng thèm ăn chất béo, đường trong suốt cuộc đời của chúng. Bé khỏe mạnh hay không chính là kết quả từ chế độ ăn của mẹ bầu.

Mẹ bầu nào có nguy có thiếu dinh dưỡng khi mang thai?

phụ nữ thiếu hụt dinh dưỡng

Thiếu hụt dinh dưỡng khi mang thai là tình trạng thường gặp

Tất cả phụ nữ đều trải qua các nhu cầu dinh dưỡng tăng lên khi mang thai. Do đó, phụ nữ cần duy trì chế độ ăn lành mạnh cả trước và trong khi mang thai để bé khỏe mạnh chào đời.

Tuy nhiên, một số phụ nữ có thể khó tiếp cận hoặc khó để có một chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, lành mạnh. Ví dụ, phụ nữ ăn kiêng, dị ứng một số loại thực phẩm, ốm nghén…

Ngoài ra, các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé trong giai đoạn thai kỳ.

Có thể bạn quan tâm: Thiếu máu não nên ăn gì để nhanh hồi phục

Phụ nữ có thai dễ gặp nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng thai kỳ bao gồm:

  • Phụ nữ ăn chay: Thừa dinh dưỡng từ thực vật, thiếu hụt dinh dưỡng từ thịt động vật.
  • Phụ nữ có điều kiện kinh tế thấp: Thường sẽ khó để có được chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu đầy đủ, vì thế sẽ dễ sinh non, con nhẹ ký.
  • Phụ nữ có sức khỏe yếu: Các trường hợp mắc bệnh tiểu đường, bệnh truyền nhiễm cũng có khả năng dung nạp dinh dưỡng kém, thai nhi phát triển chậm.
  • Phụ nữ vừa mới sinh con: Vì khoảng thời gian phục hồi sau sinh quá ngắn, nên nếu mang thai bé tiếp theo, mẹ sẽ dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng do cơ hội phục hồi và xây dựng cơ chế dinh dưỡng chưa được đáp ứng kịp.
  • Phụ nữ mang đa thai (sinh đôi, sinh ba…): Sẽ có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng cho bé, vì lúc này mẹ phải bổ sung gấp đôi, gấp 3 lần so với chỉ mang thai 1 bé.
  • Phụ nữ bị stress nặng: Khi căng thẳng, chức năng cơ thể dễ bị rối loạn, điều này dẫn đến nguy cơ mất cân bằng dinh dưỡng, khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kém.
  • Phụ nữ ốm nghén nặng: Nếu mẹ thường xuyên nôn mửa, khó ăn sau 16 tuần thai sẽ dẫn đến biếng ăn, gây thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn thai kỳ.
Xem ngay:  Ăn gì để chống dị tật thai nhi và top 15 thực phẩm giàu Folate

2. Dinh dưỡng chính khi mang thai

Một phụ nữ mang thai cần nhiều canxi, axid folic, sắt, protein hơn so với người bình thường, vì chúng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của thai nhi.

bổ sung dinh dưỡng cho thai phụ

Khi mang thai cần phải bổ sung nhiều dưỡng chất khác nhau

Bổ sung axid folic cho phụ nữ có thai

Axid folic hay còn gọi là folate, vitamin nhóm B, chúng có nhiều trong thực phẩm ăn hàng ngày. Axid folic đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở não, tủy sống của em bé hay còn gọi là dị tật ống thần kinh.

Thực tế, khó có thể có được lượng axid folic được khuyến cáo trong chế độ ăn dành cho mẹ bầu. Vì thế, một tổ chức chuyên ngăn ngừa dị tật bẩm sinh khuyến cáo rằng, phụ nữ đang có kế hoạch mang thai nên bổ sung vitamin có chứa 400 microgram axid folic mỗi ngày trong ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.

Khi mang thai, họ khuyên phụ nữ nên bổ sung 600 microgram axid folic mỗi ngày.

Thực phẩm giàu axid folic bao gồm: rau xanh, ngũ cốc, bánh mì, mì ống, đậu, trái cây có múi.

Bổ sung canxi cho phụ nữ có thai

Canxi là khoáng chất có vai trò xây dựng cấu trúc xương, răng của bé. Nếu phụ nữ mang thai không tiêu thụ đủ lượng canxi cần từ việc bổ sung thêm từ bên ngoài, cơ thể sẽ tự tách chiết canxi có trong xương của mẹ để nuôi dưỡng và phát triển thai nhi. Điều này sẽ dễ dẫn đến các bệnh xương khớp cho mẹ sau này. Hiện nay, có nhiều sản phẩm sữa dành cho mẹ bầu cũng được bổ sung vitamin D (chất giúp chuyển hóa canxi đi nuôi dưỡng và phát triển thai nhi).

Theo ACOG (Hội Sản Phụ Khoa Mỹ):

  • Nếu phụ nữ mang thai từ 19 tuổi trở lên cần 1.000 milligram canxi mỗi ngày.
  • Nếu phụ nữ mang thai ở tuổi vị thành niên (14-18 tuổi) cần 1.300 milligram canxi mỗi ngày.
  • Thực phẩm giàu canxi bao gồm: sữa, sữa chua, phô mai, nước ép, cá mòi, cá hồi, rau xanh.

Bổ sung sắt cho phụ nữ có thai

Phụ nữ mang thai cần 27 milligram sắt mỗi ngày, gấp đôi số lượng cần thiết đối với một người phụ nữ bình thường. Trong giai đoạn mang thai, cơ thể mẹ cần nhận đủ lượng sắt để tạo ra nhiều máu hơn, cung cấp oxy cho bé. Nếu mẹ bị thiếu chất sắt trong thai kỳ có thể dẫn đến bệnh thiếu máu do thiếu sắt, khiến mẹ thường xuyên mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Để tăng khả năng hấp thụ sắt, mẹ nên bổ sung thêm thực phẩm chứa vitamin C trong bữa ăn hàng ngày. Ví dụ, buổi sáng mẹ có thể uống nước cam kèm theo bữa sáng dinh dưỡng từ ngũ cốc.

Thực phẩm giàu chất sắt bao gồm: thịt lợn, thịt bò, thị gia cầm, cá, đậu, ngũ cốc tăng cường chất sắt.

Bổ sung chất đạm cho phụ nữ có thai

Theo Sarah Krieger – chuyên gia dinh dưỡng cho biết, phụ nữ cần nhiều chất đạm (protein) trong quá trình mang thai. Protein đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các cơ quan như não và tim của bé.

Thực phẩm giàu chất đạm bao gồm: thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, cá, đậu, trứng, các loại hạt, đậu phụ.

Xem ngay:  Top 5 thực phẩm giúp tay đẹp móng khỏe

3. Phụ nữ có thai nên ăn gì?

Khi mang thai, mục tiêu dinh dưỡng chính là mục tiêu lớn đối với phụ nữ. Để tối đa hóa dinh dưỡng trước khi sinh, phụ nữ cần ăn đủ các nhóm thực phẩm sau: trái cây, rau xanh, protein, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa.

Dưới đây là một số mẹo ăn uống dành cho phụ nữ có thai: Trong một đĩa thức ăn, bạn hãy chất đầy trái cây, rau củ vào 1 phần 2 đĩa, một phần tư đĩa là ngũ cốc nguyên hạt, phần còn lại là protein, sản phẩm từ sữa.

Đa dạng thực phẩm

Chế độ dinh dưỡng đa dạng cho phụ nữ có thai

Các loại thực phẩm phụ nữ có thai nên ăn:

Phụ nữ có thai nên tiêu thụ sản phẩm từ sữa

Trong sữa chứa rất nhiều protein, canxi đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Ngoài ra, trong sữa còn có nhiều phốt pho, vitamin B, magie, kẽm.

Các loại thực phẩm, chế phẩm từ sữa: sữa chua Hy Lạp, sữa chua uống, sữa tươi…

Phụ nữ có thai nên ăn các loại đậu

Các loại đậu là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ, protein, chất sắt, folate (B9), canxi. Đặc biệt là folate, chúng rất cần cho thai nhi trong giai đoạn 3 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, hầu như các mẹ bầu đều không đáp ứng đủ lượng folate thai nhi cần.

Các loại đậu nên ăn: đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh, đậu nành, đậu phộng.

Phụ nữ có thai nên ăn khoai lang

Trong khoai lang có chứa nhiều beta-carotene, một hợp chất thực vật được chuyển đổi thành vitamin A. Chúng rất cần thiết cho sự tăng trưởng các tế bào, mô, giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ.

Ngoài ra, trong khoai lang còn chứa nhiều chất xơ làm tăng cảm giác no, ít thèm ăn, giảm lượng đường trong máu, cải thiện tiêu hóa và khả năng vận động của mẹ bầu.

Phụ nữ có thai nên ăn cá hồi giàu omega 3

Acid béo omega 3 rất cần thiết trong thai kỳ, đặc biệt chúng còn giàu DHA và EPA tốt cho tim mạch cả mẹ và bé.

Omega 3 được tìm thấy nhiều nhất trong cá hồi, ngoài ra còn có nhiều trong các loại hải sản, chúng giúp xây dựng và phát triển não bộ, mắt cho bé trong thai kỳ.

Tuy nhiên, phụ nữ mang thai thường được khuyên nên hạn chế ăn hải sản, chỉ nên ăn hai lần/tuần do chúng có thể chứa thủy ngân, chất gây ô nhiễm có trong các loại cá biển.

Mặt khác, trong cá hồi có chứa vitamin D tự nhiên, loại vitamin thường thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Bổ sung vitamin D từ cá hồi cũng là một cách thông minh để xương chắc khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.

Phụ nữ có thai nên ăn trứng

Trứng là một thực phẩm tốt cho sức khỏe, vì chúng chứa hầu hết các chất dinh dưỡng mà mẹ bầu cần.

Một quả trứng lớn khoảng 77 calo với lượng chất béo, protein cao. Bên cạnh đó, trứng cũng có nhiều vitamin, khoáng chất.

Trứng là một nguồn thực phẩm cung cấp choline tuyệt vời. Choline rất cần thiết trong quá trình phát triển trí não và sức khỏe toàn diện của trẻ.

Lượng choline thấp trong giai đoạn mang thai cũng có thể làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, giảm chức năng não ở thai nhi.

Xem ngay:  Xuất huyết tiêu hóa: Nguyên nhân và triệu chứng

4. Phụ nữ có thai nên kiêng gì?

phụ nữ có thai nên kiêng ăn gì

Danh sách thực phẩm phụ nữ có thai nên kiêng ăn

Các loại cá có nồng độ thủy ngân cao

Mặc dù cá biển chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đối với các loại cá có nồng độ thủy ngân cao như: cá kiếm, cá mập, cá ngừ, cá thu mẹ bầu cần tránh.

Các loại thịt sống, thịt tái

Đối với thịt động vật chưa được nấu chín, mẹ bầu nếu ăn vào có nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus có thể gây ngộ độc thực phẩm. Một số virus, vi khuẩn có thể đi qua nhau thai và gây hại cho em bé.

Trứng sống

Mặc dù trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt nhưng mẹ bầu không nên ăn trứng sống, tránh nhiễm khuẩn salmonella gây hại đến bào thai.

Dứa (thơm)

Mặc dù dứa là loại trái cây thơm ngon, nhiều chất xơ, nhưng chúng cũng có nhiều chất bromelain. Chất này có khả năng phá vỡ protein gây chảy máu bất thường do chúng làm mềm tử cung, tử cung co thắt dễ dẫn đến sảy thai.

Đu đủ xanh

Trong quả đu đủ xanh có chứa chất độc gây co bóp tử cung dẫn đến sảy thai.

Caffeine, rượu, bia

Nếu mẹ bầu tiêu thụ quá nhiều caffeine trong giai đoạn mang thai sẽ khiến thai nhi không tăng ký, thậm chí có nguy cơ sẩy thai.

Nếu trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc hoặc thực phẩm có chứa caffeine, mẹ cần lưu ý không nên tiêu thụ quá 200 milligram/ngày. Một cốc cà phê nhỏ có thể chứa 100 mg caffeine.

Thực phẩm chứa calo rỗng

Bánh quy, nước ngọt, nước có gas, khoai tây chiên cần được loại bỏ ra khỏi chế độ ăn của mẹ bầu vì chúng có nhiều đường, chất béo, rất ít chất dinh dưỡng, dễ dẫn đến tình trạng tăng cân vào mẹ không vào con.

Phô mai chín mềm

Các loại phô mai được chế biến từ sữa không được diệt khuẩn như: phô mai xanh, camembert, feta, brie, phô mai Mexico nên tránh ăn trong giai đoạn mang thai.

Mang thai là niềm hạnh phúc của mỗi người mẹ, vì thế bạn cần tuân thủ các khuyến nghị dinh dưỡng dành cho phụ nữ có thai để bé được khỏe mạnh từ trong bụng mẹ đến khi chào đời.

Xem thêm:

Cách cải thiện triệu chứng mất ngủ khi mang thai

Hướng dẫn bổ sung sắt đúng cách cho bà bầu trong thai kỳ

Mang thai lần đầu và những điều mẹ bầu cần lưu ý


Nguồn tham khảo: 

13 Foods to Eat When You’re Pregnant – https://www.healthline.com/nutrition/13-foods-to-eat-when-pregnant

Pregnancy Diet & Nutrition: What to Eat, What Not to Eat – https://www.livescience.com/45090-pregnancy-diet.html

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Close Menu