Các vấn đề về kinh nguyệt luôn là điều các chị em quan tâm đến. Những “mùa dâu” bất thường được xem là một dấu hiệu nhận biết “cô bé” hoặc cơ thể bạn đang không được khỏe. Bị rong kinh là một trong những tình trạng thường gặp và luôn khiến các nàng đau đầu vì không biết giải quyết như thế nào.
Hãy tham khảo bài viết dưới đây để biết được bị rong kinh là gì, làm sao hết bạn nhé!
Rong kinh là gì?
Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ xảy ra trong khoảng 28 – 30 ngày một lần và kéo dài khoảng năm ngày. Trung bình lượng máu kinh mất đi trong lúc hành kinh sẽ từ 30– 40ml máu. Bất kì sự thay đổi nào về số lượng và thời gian mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt về mặt y học được xem là kinh nguyệt không bình thường.
Rong kinh là thuật ngữ y tế chỉ những chu kỳ kinh nguyệt với lượng máu kinh ra nhiều hoặc thời gian hành kinh kéo dài hơn bình thường. Khi bị rong kinh, bạn không thể duy trì các hoạt động thường ngày vì việc mất máu nhiều sẽ dẫn đến các cơn đau quặn ở bụng dưới và gây khó chịu cho “cô bé”.
Xem thêm: Những thực phẩm bổ sung sắt
Vậy có những dấu hiệu nào nhận biết bạn đã bị rong kinh? Tình trạng này cụ thể diễn ra như sau:
- Bạn cần nhiều băng vệ sinh hơn bình thường để kiểm soát lưu lượng máu kinh.
- Cần băng vệ sinh trong đêm.
- Có kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày.
- Kinh nguyệt ra nhiều với cục máu đông có kích thước bằng 1/4 hoặc lớn hơn.
- Kinh nguyệt ra nhiều khiến bạn không thể làm những việc bình thường.
- Đau liên tục ở phần dưới của dạ dày trong kỳ kinh nguyệt.
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng hoặc khó thở.
Nguyên nhân gây rong kinh
Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị rong kinh. Tình trạng này bị gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và phần lớn là do rối loạn nội tiết tố. Một số những lý do dẫn đến rong kinh bạn biết lưu ý:
- Rối loạn nội tiết tố: Nếu hai hormon sinh dục progesterone và estrogen bị mất cân bằng sẽ dẫn đến nội mạc tử cung hoặc lớp lót bên trong của tử cung tích tụ quá nhiều, chúng sẽ bị cơ thể thải ra nhiều hơn vào những ngày hành kinh.
- Rối loạn chức năng buồng trứng: Nếu buồng trứng không giải phóng được trứng, không sản sinh ra progesterone sẽ dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố.
- Sử dụng thuốc: Nếu bạn có uống các loại thuốc chống viêm và chống đông máu có thể dẫn đến chảy máu nhiều.
- Tình trạng này có thể xảy ra khi chu kỳ kinh nguyệt không sinh ra trứng, dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố. Nguyên do này thường gặp ở những chị em phụ nữ sắp bước vào thời kỳ mãn kinh.
- Sử dụng vòng tránh thai nội tiết: Loại dụng cụ ngừa thai này có thể dẫn đến lượng máu kỳ hành kinh nhiều hơn bình thường.
Rong kinh cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý phụ khoa:
- U xơ tử cung: Đây là những khối u nếu để lâu ngày không chữa trị có thể dẫn đến ung thư.
- Polyp tử cung: Những khối u lành tính này có thể dẫn đến nồng độ hormone cao hơn.
- Bệnh lý vùng chậu (PID): Đây là một bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản dẫn đến biến chứng nặng.
- Các biến chứng liên quan đến thai nghén: Ví dụ như sẩy thai hoặc mang thai ngoài tử cung.
- Ung thư: Ung thư tử cung, cổ tử cung và buồng trứng ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản.
- Bệnh lý tế bào máu: Bao gồm bệnh Von Willebrand hoặc rối loạn chức năng tiểu cầu.
- Bệnh lý tuyến giáp
- Bệnh gan, thận hoặc sử dụng thuốc chống đông máu.
Rong kinh có nguy hiểm không?
Hiện nay bị rong kinh đang trở thành một vấn đề phổ biến đối với các chị em phụ nữ. Mức độ nguy hiểm của rong kinh tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Nếu bị rong kinh do các nguyên nhân từ việc ăn uống sinh hoạt thông thường thì bạn có thể tự điều chỉnh lại lối sống để chu kỳ kinh nguyệt trở lại ổn định. Đối với những trường hợp chị em phụ nữ bị rong kinh là dấu hiệu của một số bệnh lý phụ khoa thì bạn cần phải tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Một số biến chứng của rong kinh mà bạn không nên xem thường:
- Rong kinh khiến cơ thể bị mất máu kéo dài, dễ dẫn đến thiếu máu.
- Rong kinh gây mệt mỏi, cơ thể xanh xao, khó thở, chóng mặt.
- Rong kinh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và tâm lý phụ nữ. Ra máu nhiều và phải thay băng liên tục khiến người bị mất tự tin, cảm thấy khó chịu.
- Việc ra máu liên tục vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo, dẫn đến viêm nhiễm. Thậm chí, vi khuẩn có thể tấn công vào âm hộ, buồng tử cung. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh lý gây vô sinh.
Ngoài ra, rong kinh do nguyên nhân thực thể còn là dấu hiệu cho thấy các bệnh liên quan đến tử cung và buồng trứng. Nếu bị rong kinh kéo dài cần đi khám càng sớm càng tốt để không gây biến chứng nguy hiểm.
Mặc dù “mùa dâu” chỉ ghé thăm bạn mỗi tháng một lần nhưng bạn không nên lơ là nếu chu kỳ của mình có các dấu hiệu bất thường.
Phải làm gì khi bị rong kinh?
Khi bị rong kinh, những điều bạn cần làm đầu tiên đó chính là:
- Thường xuyên thay băng vệ sinh để tránh nhiễm trùng
- Hạn chế vận động mạnh
- Uống nhiều nước hơn
- Thay đổi lối sống sinh hoạt hằng ngày: ngủ đúng giờ, ăn uống đủ chất
- Sử dụng một số loại thuốc OTC điều hòa nội tiết
- Bổ sung các loại vitamin và sắt để phòng ngừa tình trạng thiếu máu
Nếu tình trạng rong kinh vẫn kéo dài từ 2 đến 3 chu kỳ thì bạn nên đi đến các bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị hợp lý. Tuyệt đối không nên tự ý mua các loại thuốc uống điều trị sử dụng tại nhà khi chưa có kết quả chẩn đoán hay sự cho phép từ bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
1. Menorrhagia (Heavy Menstrual Bleeding)
https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17734-menorrhagia-heavy-menstrual bleeding
2. Menorrhagia: Causes, Symptoms, and Treatment
https://www.healthhub.sg/a-z/diseases-and-conditions/66/menorrhagia