Rối loạn tiền đình là một bệnh lý phổ biến ngày nay, do áp lực công việc, học tập, lối sống kém lành mạnh mà tỉ lệ người trẻ mắc bệnh này ngày càng tăng cao. Người mắc bệnh rối loạn tiền đình thường dễ chóng mặt, đứng lên ngồi xuống mất thăng bằng. Triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Bài viết này sẽ giúp bạn có kiến thức đúng về bệnh rối loạn tiền đình
1. Bệnh rối loạn tiền đình là gì?
Hệ thống tiền đình là liên kết giữa tai và não giúp giữ thăng bằng cho cơ thể khi vận động. Nếu không may mắc bệnh lý hay chấn thương, làm hư hại hệ thống tiền đình sẽ dẫn đến tình trạng chóng mặt, mất thăng bằng, các vấn đề liên quan thính giác và thị lực.
2. Các nguyên nhân gây rối loạn tiền đình
Nguyên nhân phổ biến của tình trạng này có thể xảy ra là do bệnh viêm dây thần kinh tiền đình, bệnh đau nửa đầu hoặc do chính thiếu máu não. Thiếu máu não gây rối loạn tiền đình trung ương khiến chúng tạo thành một “đôi bạn cùng tiến” trong việc hủy hoại khả năng làm việc và tận hưởng cuộc sống bình thường của người bệnh. Khi đó, quá trình xử lý vừa phải đảm bảo giải quyết hiệu quả các triệu chứng về mất thăng bằng cũng như chức năng nghe – nhìn- nhận thức trong rối loạn tiền đình, vừa khắc phục được nguyên nhân gốc rễ là bệnh thiếu máu lên não.
Ngoài ra, rối loạn tiền đình còn xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác:
- Viêm tai giữa do nhiễm vi rút, vi khuẩn
- Chấn thương vùng đầu
- Mắc các hội chứng rối loạn tuần hoàn máu như: tắc động mạch tiền đình, co thắt động mạch cột sống gây ra sự ảnh hưởng xấu đến tai trong hoặc não bộ.
- Bệnh do yếu tố gen di truyền, môi trường sống, sinh hoạt.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, vấn đề mất thăng bằng, chóng mặt cũng có thể là tác dụng của các loại thuốc giảm đau mạn tính.
3. Biểu hiện thường thấy ở người bệnh rối loạn tiền đình
Khi hệ thống tiền đình bị tổn thương, người bệnh thường có những biểu hiện dưới đây:
- Chóng mặt, choáng váng, đầu óc quay cuồng
- Dễ ngã do mất thăng bằng, mất định hướng không gian
- Rối loạn thị giác, mờ mắt, hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng
- Rối loạn thính giác như ù tai
- Nhận thức hay tâm lý thay đổi: lo lắng quá mức, khó tập trung, lơ là
Một số người bị bệnh trong thời gian dài không được điều trị, gặp ít nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống, học tập, lao động do các triệu chứng, biểu hiện của bệnh gây ra.
4. Ai có nguy cơ dễ bị bệnh rối loạn tiền đình?
- Người bị thiếu máu thiếu sắt, tuần hoàn máu kém, người có tiền sử bị thiếu máu não.
- Người lớn tuổi: Càng lớn tuổi càng tăng nguy cơ bị bệnh này, xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, dễ ngã, đi đứng mất thăng bằng, dễ choáng váng.
- Người có tiền sử dễ chóng mặt: Nếu cơ địa bạn dễ bị chóng mặt, tương lai bạn sẽ càng gia tăng nguy cơ bị chứng rối loạn hệ thống tiền đình và sẽ tái đi tái lại
- Người sống trong môi trường sống bị ô nhiễm tiếng ồn, sinh hoạt kém lành mạnh
- Người dễ bệnh do thời tiết chuyển mùa
Một thực tế cho thấy rằng, ngày nay, người làm văn phòng, học sinh, sinh viên dễ mắc chứng rối loạn tiền đình. Nguyên nhân chủ yếu là do ngồi nhiều, ít vận động, ăn uống thất thường, chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi kém khoa học. Từ đó, cơ thể dễ bị tắc nghẽn hoặc co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến rối loạn tuần hoàn, gây thiếu máu não, tổn thương hệ thống tiền đình.
5. Phương pháp chẩn đoán và chữa trị rối loạn tiền đình
Phương pháp chẩn đoán
Dựa vào những nguyên nhân, triệu chứng khác nhau mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp chẩn đoán cho người bệnh. Một số xét nghiệm bác sĩ có thể chỉ định gồm:
- Điện ký rung giật nhãn cầu (ENG). Phương pháp này là một quy trình bao gồm các xét nghiệm điện và sử dụng các điện cực nhỏ đặt lên vùng da xung quanh mắt, với mục đích nhằm đo chuyển động của mắt để đánh giá các dấu hiệu của rối loạn chức năng tiền đình hay các vấn đề về thần kinh
- Xét nghiệm xoay vòng – Xét nghiệm xoay vòng là một phương pháp khác để đánh giá sự phối hợp hoạt động của mắt và tai trong. Xét nghiệm này sử dụng kính video hoặc các điện cực để theo dõi chuyển động của mắt khi đầu di chuyển
- Đo âm ốc tai (OAE) – Xét nghiệm âm ốc tai cung cấp thông tin về các tế bào lông chuyển trong ốc tai làm việc như thế nào bằng cách đo sự đáp ứng của các tế bào này với một loạt các kích thích âm thanh được tạo ra bởi một loa nhỏ đặt vào trong ống tai
- MRI – Chụp cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh cắt ngang các mô cơ thể nhằm phát hiện các khối u, tai biến và sự bất thường về mô mềm khác mà có thể gây các triệu chứng mất thăng bằng như chóng mặt hoặc ngất.
Phương pháp điều trị:
Bác sĩ sẽ dựa vào bệnh sử và kết quả lâm sàng của bệnh nhân để đưa ra các lời khuyên, phương pháp điều trị hợp lý:
- Trường hợp người bị rối loạn tiền đình do thiếu máu não, thiếu máu, thiếu sắt, bác sĩ có thể kê đơn bổ sung viên sắt dạng uống. Tùy mức độ thiếu máu mà liều lượng bổ sung chất sắt là khác nhau.
- Phương pháp phục hồi chức năng tiền đình: Đây là một phương pháp phục hồi chức năng cho bộ phần đầu, cơ thể, thị giác. Các bài tập được thiết kế với mục đích rèn luyện não bộ, kích thích sự vận động, nhạy bén của hệ thống tiền đình.
- Tập thể dục thể thao: Bác sĩ sẽ đưa ra một số hướng dẫn, lời khuyên, bài tập thể dục phù hợp với bệnh nhân nhằm cải thiện tinh thần, trí não, thể chất tổng hợp giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, hệ thống tiền đình nhanh chóng được phục hồi.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Những thay đổi trong chế độ ăn uống sẽ giúp người bệnh sớm cải thiện sức khỏe, hạn chế tình trạng bị phù tích nội dịch thứ phát, chóng mặt liên quan đến bệnh đau nửa đầu migraine.
- Sử dụng thuốc kê toa: Việc sử dụng điều trị trong bao lâu, liều lượng còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý của mỗi người.
- Phẫu thuật: Đây là giải pháp cuối cùng nếu như các biện pháp điều trị trên hoàn toàn vô tác dụng hay không mang lại mức độ cải thiện cho người bệnh.
Rối loạn tiền đình là căn bệnh dễ gặp phải ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày nay không ít người trẻ bắt đầu có những triệu chứng, dấu hiệu do môi trường, sinh hoạt, ăn uống. Việc xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, nghỉ ngơi, làm việc hợp lý giúp bạn giải tỏa căng thẳng, sức khỏe tốt, hạn chế rủi ro mắc bệnh rối loạn tiền đình đầy phiền toái.
Nguồn tham khảo:
ABOUT VESTIBULAR DISORDERS – https://vestibular.org/understanding-vestibular-disorder
What Are Vestibular Disorders? – https://www.webmd.com/brain/vestibular-disorders-facts