Thiếu máu là một căn bệnh có thể gặp ở mọi giới tính và lứa tuổi. Bệnh thiếu máu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn do sự mệt mỏi, kém tập trung mà nó mang lại. Đâu là nguyên nhân gây thiếu máu và cách điều trị hiệu quả?
Bệnh thiếu máu là gì?
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh thiếu máu thiếu sắt là tình trạng lượng hemoglobin và số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi suy giảm, dẫn đến thiếu oxy cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể.
Hemoglobin (huyết sắc tố) là một protein giàu chất sắt làm máu có màu đỏ, giúp các hồng cầu mang oxy từ phổi đến các phần còn lại của cơ thể.
Thiếu máu xảy ra khi nồng độ hemoglobin ở mức:
- Hb < 13 g/dl (130 g/l) đối với nam giới
- Hb < 12 g/dl (120 g/l) đối với nữ giới
- Hb < 11 g/dl (110 g/l) đối với người lớn tuổi
Các triệu chứng của bệnh thiếu máu
Các triệu chứng thiếu máu rất đa dạng, tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu tình trạng thiếu máu xuất hiện bởi một bệnh mãn tính, bệnh có thể khiến các triệu chứng đau đầu do thiếu máu khó nhận biết hơn. Do đó, nhiều trường hợp bệnh thiếu máu chỉ vô tình được phát hiện khi người bệnh thực hiện xét nghiệm cho bệnh khác.
Bệnh thiếu máu nhẹ không có các triệu chứng rõ rệt nhưng bạn vẫn có thể nhận thấy các thay đổi ở bản thân, bao gồm:
- Tâm trạng dễ gắt gỏng
- Cơ thể yếu ớt hoặc mệt mỏi thường xuyên hơn so với bình thường hoặc so với khi hoạt động thể chất
- Nhức đầu
- Khó tập trung suy nghĩ
- Mất ngủ
Các triệu chứng thiếu máu nặng xuất hiện rõ rệt hơn, biểu hiện qua những thay đổi như:
- Lòng trắng của mắt ngả màu xanh
- Móng tay giòn, dễ gãy
- Mắc hội chứng Pica, ham muốn ăn những thứ phi thực phẩm như bụi, cát, giấy…
- Choáng váng nhẹ khi đứng lên
- Màu da nhợt nhạt, vàng vọt
- Khó thở
- Đau lưỡi
Tình trạng bệnh có thể khác nhau ở mỗi người do cơ địa. Nếu bạn có các triệu chứng trên và nghi ngờ bản thân mắc bệnh thiếu máu, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Các nguyên nhân gây thiếu máu
Hiện y học đã nhận biết được hơn 400 loại bệnh thiếu máu và được chia thành ba nhóm các nguyên nhân gây thiếu máu chính:
- Thiếu máu do mất máu
- Thiếu máu do sản xuất hồng cầu giảm hoặc bị lỗi
- Thiếu máu do sự phá hủy các tế bào hồng cầu.
1. Mắc bệnh thiếu máu do mất máu
Mất máu có thể làm mất các tế bào hồng cầu, đặc biệt thường gặp trong các trường hợp chảy máu kéo dài mà người bệnh không nhận biết. Tình trạng này thường gặp ở các trường hợp:
- Bệnh nhân mắc các bệnh về đường tiêu hóa như trĩ, viêm dạ dày và ung thư.
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen, các thuốc này có thể gây loét và viêm dạ dày.
- Phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt, đặc biệt trong ngày hành kinh bị mất quá nhiều máu.
2. Mắc bệnh thiếu máu do sản xuất tế bào hồng cầu giảm hoặc bị lỗi
Các nguyên nhân gây thiếu máu trong trường hợp này là do cơ thể không tạo đủ tế bào máu hoặc tế bào máu hoạt động không đúng chức năng. Điều này xảy ra do cơ thể không được cung cấp đủ các khoáng chất và vitamin để sản xuất tế bào máu và giúp các tế bào này hoạt động tốt.
4 nguyên nhân liên quan đến việc sản xuất tế bào hồng cầu giảm hoặc bị lỗi:
Các vấn đề về tủy xương và tế bào gốc: Tình trạng này khiến cơ thể không sản xuất đủ các tế bào hồng cầu. Thông thường, một số tế bào gốc nằm trong tủy xương sẽ phát triển thành tế bào hồng cầu nhưng khi cơ thể không có đủ các tế bào gốc, các tế bào gốc hoạt động không bình thường hoặc bị thay thế bởi các tế bào khác như tế bào ung thư, thì điều này sẽ dẫn đến các triệu chứng thiếu máu. Thiếu máu gây ra bởi các vấn đề về tủy xương hoặc tế bào gốc bao gồm:
- Thiếu máu bất sản: Xảy ra khi người bệnh không có hoặc không có đủ tế bào gốc. Người bệnh có thể bị thiếu máu bất sản do gen hoặc do tủy xương bị tổn thương khi sử dụng các loại thuốc, xạ trị, hóa trị hoặc bị nhiễm trùng.
- Nhiễm độc chì: Chì gây độc hại cho tủy xương khiến cơ thể có ít tế bào hồng cầu hơn. Ngộ độc chì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính do đa dạng các nguyên nhân khác nhau trong đời sống thường ngày. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thiếu máu nguyên bào sắt
- Bệnh thalassemia: Đây là một bệnh lý di truyền, xảy ra do thiếu hụt sự tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu. Thalassemia là bệnh di truyền lặn, gen bệnh nằm trên nhiễm sắc thể thường và có thể di truyền từ bố mẹ sang con. Bệnh này có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng và dạng nặng nhất được gọi là thiếu máu Cooley.
Thiếu máu do thiếu sắt: Thiếu máu thiếu sắt xảy ra do cơ thể không có đủ chất sắt để tủy xương tạo ra hemoglobin, một phần của tế bào hồng cầu có vai trò đưa oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt rất đa dạng, bao gồm:
- Chế độ ăn không có đủ chất sắt, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên, người ăn kiêng hoặc ăn chay
- Dùng nhiều các loại thuốc, thực phẩm và đồ uống có chứa caffeine
- Mắc các bệnh về tiêu hóa như bệnh Crohn hoặc đã cắt bỏ một phần dạ dày hoặc ruột non
- Hiến máu quá thường xuyên
- Tập luyện nhiều các bài tập tăng sức bền
- Phụ nữ mang thai và cho con bú
- Phụ nữ đang có kinh nguyệt
Thiếu máu do thiếu vitamin: Thiếu máu do thiếu vitamin xảy ra khi cơ thể không nhận đủ vitamin B12 và folate. Cơ thể cần hai loại vitamin này để tạo ra các tế bào hồng cầu. Nguyên nhân dẫn đến loại thiếu máu này gồm:
- Thiếu hụt vitamin B12 trong chế độ ăn uống do ăn ít hoặc không ăn thịt. Đối với thiếu hụt folate, có thể do cách chế biến rau quá chín hoặc ăn không đủ rau.
- Thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ (megaloblastic anaemia) do cơ thể không có đủ vitamin B12, folate hoặc cả hai
- Bệnh thiếu máu ác tính (pernicious anemia) do cơ thể không hấp thụ đủ vitamin B12
- Các nguyên nhân khác gây thiếu vitamin bao gồm: mang thai, sử dụng một số loại thuốc, lạm dụng rượu hoặc mắc các bệnh đường ruột.
Các nguyên nhân khác: Bệnh thiếu máu do đến các tình trạng khác thường xảy ra khi cơ thể không có đủ hormone để tạo ra các tế bào hồng cầu. Các nguyên nhân gây thiếu máu bao gồm:
- Bệnh về thận
- Suy giáp
- Người già
- Các bệnh mãn tính như ung thư, lupus ban đỏ, tiểu đường và viêm khớp dạng thấp
3. Mắc bệnh thiếu máu do sự phá hủy các tế bào máu hồng cầu
Khi các tế bào hồng cầu mỏng manh và có thể vỡ sớm hơn bình thường sẽ gây ra bệnh thiếu máu tán huyết. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm:
- Bệnh lupus ban đỏ
- Các bệnh truyền qua gen, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm, thalassemia và xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối
- Lách to khiến các tế bào hồng cầu bị phá hủy quá sớm
- Nhiễm trùng, thuốc, nọc độc của rắn hoặc nhện, một số loại thực phẩm khiến cơ thể bị sốc
- Độc tố từ bệnh gan hoặc bệnh thận
- Ghép mạch máu, van tim nhân tạo, khối u, bỏng nặng, tăng huyết áp nặng và rối loạn đông máu
4 cách phân độ thiếu máu
Phân độ thiếu máu giúp mang lại hiệu quả trong quá trình chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây thiếu máu và hỗ trợ điều trị bệnh chính xác hơn.
1. Mức độ thiếu máu
Phân độ thiếu máu là chủ yếu dựa trên lượng hemoglobin đo được trong cơ thể. Để kiểm tra, bạn có thể làm xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC), hay còn gọi là xét nghiệm máu tổng quát, đây là loại xét nghiệm máu phổ biến nhất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mức độ thiếu máu được chia theo từng đối tượng dựa trên lượng huyết sắc tố sau đây:
Đối tượng | Không thiếu máu (g/l) | Mức độ thiếu máu (g/l) | ||
Nhẹ | Vừa | Nặng | ||
Trẻ 6-59 tháng tuổi | ≥ 110 | 100-109 | 70-99 | ≤ 70 |
Trẻ 5-11 tuổi | ≥ 115 | 110-114 | 80-109 | ≤ 80 |
Trẻ 12-14 tuổi | ≥ 120 | 110-119 | 80-109 | ≤ 80 |
Phụ nữ có thai | ≥ 110 | 100-109 | 70-99 | ≤ 70 |
Nữ trên 15 tuổi không có thai |
≥ 120 | 110-109 | 80-109 | ≤ 80 |
Nam trên 15 tuổi | ≥ 130 | 110-129 | 80-109 | ≤ 80 |
2. Diễn tiến thiếu máu
Phân độ thiếu máu theo diễn biến bệnh được chia làm 2 loại là thiếu máu cấp tính và thiếu máu mạn tính.
Thiếu máu cấp tính: Thiếu máu cấp tính là sự thiếu máu diễn ra nhanh chóng trong thời gian nhắn, có thể do tan máu hoặc xuất huyết cấp tính. Tình trạng thiếu máu này có thể đe dọa đến tính mạng và xuất hiện bởi một số nguyên nhân sau:
- Mất máu do bị thương
- Vỡ túi phình động mạch
- Đông máu nội mạch lan tỏa
- Xuất huyết đường tiêu hóa trên hoặc dưới
- Thai ngoài tử cung bị vỡ
Thiếu máu mạn tính: Thiếu máu mạn tính xảy ra do khả năng sản xuất tế bào hồng cầu của cơ thể bị ảnh hưởng, khiến cơ thể mất máu lâu dài. Nguyên nhân dẫn đến thiếu máu mạn tính bao gồm:
- Các bệnh về thận
- Bệnh ung thư
- Nhiễm trùng cơ thể kéo dài như HIV, viêm nội tâm mạc, bệnh lao, viêm tủy xương, áp xe phổi và viêm gan B hoặc C
- Rối loạn tự miễn dịch và các bệnh viêm như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, bệnh Crohn, bệnh lupus và bệnh viêm ruột
- Điều trị ung thư bằng một số phương pháp hóa trị có thể làm cơ thể suy yếu khả năng tạo ra các tế bào máu mới, dẫn đến thiếu máu
3. Nguyên nhân thiếu máu
Phân độ thiếu máu theo nguyên nhân được chia làm 3 loại:
- Thiếu máu do mất máu: Cơ thể có thể bị mất máu do các yếu tố bên trong và bên ngoài gây tổn thương như chấn thương, rong kinh, xuất huyết dạ dày…
- Thiếu máu do tan máu: Tan máu là tình trạng tốc độ các tế bào hồng cầu bị phá hủy nhanh hơn là được tạo ra, thường do các nguyên nhân như bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh), nhiễm trùng siêu vi, ung thư máu, dùng thuốc chống sốt rét…
- Thiếu máu do rối loạn quá trình tạo máu: Tủy xương là cơ quan tạo máu của cơ thể. Do đó, các bệnh lý liên quan đến tủy xương có thể gây thiếu máu, điển hình như suy tủy xương, rối loạn sinh tủy hoặc ung thư máu. Nguyên nhân gây bệnh cũng có thể do chế độ ăn uống thiếu những chất dinh dưỡng cần thiết cho việc tạo máu.
4. Đặc điểm hồng cầu
Đây là cách xếp loại phân độ thiếu máu thường được sử dụng để giúp tiếp cận và chẩn đoán nguyên nhân gây thiếu máu.
Dựa vào thể tích trung bình khối hồng cầu (MCV): MCV dùng để đánh giá kích thước hồng cầu lớn, nhỏ hay bình thường.
- Nếu chỉ số MCV thấp hơn bình thường: Thiếu máu hồng cầu nhỏ, thường gặp ở bệnh thiếu máu thiếu sắt hoặc Thalassemia.
- Nếu chỉ số MCV cao hơn bình thường: Thiếu máu hồng cầu to, thường gặp ở người thiếu vitamin B12, axit folic, nghiện rượu, bệnh gan…
Dựa vào lượng hemoglobin trung bình hồng cầu (MCH): MCH dùng để đánh giá màu sắc hồng cầu ưu sắc, nhược sắc hay đẳng sắc.
- Nếu chỉ số MCH nhỏ hơn bình thường: Chẩn đoán bệnh thiếu máu hồng cầu nhược sắc.
- Nếu chỉ số MCH cao hơn bình thường: Chẩn đoán bệnh thiếu máu hồng cầu ưu sắc.
Dựa vào dải phân bố kích thước hồng cầu (RDW): RDW giúp xác định độ đồng đều về kích thước của các hồng cầu.
- RDW = 11 – 14%: Hồng cầu có kích thước đồng đều.
- RDW > 14%: Hồng cầu to nhỏ không đều.
Dựa vào chỉ số hồng cầu lưới hiệu chỉnh (CRC): Hồng cầu lưới là các hồng cầu non mới được sinh ra từ tủy xương đến máu ngoại vi. Chỉ số CRC giúp xác định khả năng hồi phục của bệnh thiếu máu, từ đó định hướng được nguyên nhân thiếu máu do tủy xương hay ngoại vi.
- CRC ≥ 3%: Tủy xương phản ứng tốt với tình trạng thiếu máu
- CRC < 3%: Tủy xương phản ứng kém với tình trạng thiếu máu, quá trình tạo hồng cầu không hiệu quả.
Những đối tượng dễ mắc bệnh thiếu máu
Một số đối tượng và yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu:
- Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, khiến cơ thể bị thiếu sắt, vitamin B12, folate… làm gia tăng nguy cơ thiếu máu.
- Rối loạn đường ruột khiến cơ thể kém hấp thu các chất dinh dưỡng trong ruột non, gây nên thiếu máu.
- Phụ nữ mất máu nhiều trong thời kỳ kinh nguyệt có thể gây ra thiếu hồng cầu, dẫn đến tình trạng thiếu máu.
- Phụ nữ trong quá trình mang thai có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt do cần lượng sắt dự trữ để cung cấp hemoglobin cho bào thai.
- Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như ung thư, suy thận, suy gan cũng là đối tượng có nguy cơ thiếu máu.
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh máu di truyền cũng tăng nguy cơ gây nên tình trạng thiếu máu.
- Những yếu tố khác như tiền sử nhiễm trùng, bệnh về máu, rối loạn tự miễn, nghiện rượu, nhiễm hóa chất độc hại và sử dụng thuốc cũng ảnh hưởng đến sự sản xuất hồng cầu, gây ra bệnh thiếu máu.
Các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh thiếu máu
Điều trị bệnh thiếu máu thường tập trung vào nguyên nhân gây nên tình trạng này. Để chẩn đoán thiếu máu một cách chính xác và đâu là các nguyên nhân gây nên tình trạng này, bác sĩ có thể làm các xét nghiệm khác để tìm hiểu.
1. Phòng ngừa bệnh thiếu máu
Những biện pháp phòng ngừa bệnh thiếu máu:
- Chế độ ăn uống khoa học và hợp lý: Hạn chế các gia vị nhân tạo, hương liệu và dầu mỡ. Khẩu phần ăn phải có đầy đủ các chất, bao gồm nhiều loại vitamin và các chất dinh dưỡng như sắt, folate, vitamin B12, C.
- Chế độ sinh hoạt làm việc cân đối, kết hợp với việc rèn luyện nâng cao sức khỏe.
- Phụ nữ cần lưu ý đến chu kỳ kinh nguyệt của mình, dùng thêm thuốc bổ sung sắt và thức ăn giàu chất sắt.
- Lắng nghe cơ thể và phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ thiếu máu cũng như các yếu tố nguy cơ thiếu máu.
2. Những phương pháp dùng để điều trị bệnh thiếu máu
Cách chữa bệnh thiếu máu cần được tập trung vào các nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu. Điều trị bệnh thiếu máu có thể bao gồm các phương pháp:
- Truyền máu khi bị thiếu máu nặng
- Dùng corticosteroid hoặc các loại thuốc khác ức chế hệ miễn dịch
- Sử dụng erythropoietin, một loại thuốc giúp tủy xương tạo ra nhiều tế bào máu hơn
- Bổ sung sắt, vitamin B12, acid folic hoặc vitamin và khoáng chất khác
Nguồn tham khảo:
Anemia – https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anemia/symptoms-causes/syc-20351360
What You Need to Know About Anemia – https://www.healthline.com/health/anemia
What to know about anemia – https://www.medicalnewstoday.com/articles/158800
Haemoglobin concentrations for the diagnosis of anaemia and assessment of severity – https://www.who.int/vmnis/indicators/haemoglobin.pdf