Phụ nữ mang thai trong suốt quá trình mang thai không những phải chú ý đến chế độ ăn uống dinh dưỡng và lành mạnh, vận động nhẹ nhàng giúp tinh thần thư thái mà còn phải chú ý đến những loại thuốc sử dụng.
Đối với người bình thường, uống thuốc khi bị bệnh là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai việc sử dụng thuốc không theo chỉ định sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ, đặc biệt là sự phát triển bình thường của em bé trong bụng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên sử dụng khi không được bác sĩ kê đơn
10 loại thuốc phụ nữ mang thai không nên uống
Dưới đây là thông tin những loại thuốc mẹ bầu nên tránh, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho mẹ và bé. Đồng thời cũng giải đáp hàng loạt thắc mắc cho mẹ như “có thai không nên uống thuốc gì?”, “thuốc không dùng cho phụ nữ có thai?”, “những loại thuốc bà bầu không được uống?”, “những loại thuốc gây sảy thai?”…
Bạn quan tâm: 10 cách chữa đau đầu khi mang thai không cần dùng thuốc
1. Ibuprofen
Ibuprofen là một loại thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt. Ibuprofen còn được biết là một thuốc chống kết tập tiểu cầu, mặc dù tác dụng này tương đối yếu và ngắn so với aspirin hay các thuốc chống kết tập tiểu cầu khác.
Phụ nữ mang thai giai đoạn cuối thai kỳ (từ 30 tuần trở đi) không được sử dụng ibuprofen vì chúng có thể khiến một đường trong tim thai nhi đóng lại. Đường ống bị đóng lại quá sớm có thể gây ra những vấn đề về tim, phổi, tệ hơn là tử vong ở trẻ.
2. Naproxen
Naproxen được sử dụng để giảm đau cho các tình trạng bệnh như nhức đầu, đau nhức cơ bắp, viêm gân, đau răng và đau bụng kinh. Đồng thời, thuốc giúp giảm đau, sưng và cứng khớp do chứng viêm khớp, viêm bao hoạt dịch và bệnh gút. Thuốc này được biết đến như một loại thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
Mẹ bầu không nên tùy tiện sử dụng loại thuốc này, naproxen làm tăng nguy cơ sảy thai ở ba tháng đầu. Những giai đoạn cuối thai kỳ chúng có thể giảm lượng máu lưu thông đến bào thai ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
3. Aspirin
Aspirin hay còn được gọi là axit acetylsalicylic (ASA) là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs). Aspirin có tác dụng hạ sốt và giảm đau, từ cơn đau nhẹ đến đau vừa như đau cơ, đau răng, cảm lạnh thông thường và nhức đầu.
Tương tự ibuprofen và naproxen, aspirin cũng được các chuyên gia khuyên không nên sử dụng trong thai kỳ. Ở giai đoạn đầu, nếu dùng aspirin ở liều cao, thai nhi dễ bị dị tật bẩm sinh. Dùng aspirin ở ba tháng cuối có thể làm đóng ống động mạch của thai nhi sớm, làm chậm quá trình chuyển dạ. Điều này có thể khiến tim và phổi của bé bất thường.
4. Thuốc trị mụn
Vào giai đoạn thai kỳ, trường hợp nổi mụn vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng thuốc trị mụn, hay kem trị mụn tự ý để loại bỏ chúng bao gồm
Thuốc có chất isotretinoin bị chống chỉ định dùng trong lúc có thai vì có nguy cơ gây quái thai. Các thuốc khác như thuốc viên nội tiết, thuốc kháng sinh thuộc nhóm cyclin (như tetracyclin, doxycyclin) cũng không được dùng trong giai đoạn này.
Thuốc bôi thuộc nhóm retinoid (axit retinoic, retinol, adapalene…) hoặc các thuốc gây lột sừng nhiều cũng không được chỉ định cho thai phụ.
Thay vào dùng thuốc trị mụn, bạn nên lựa chọn những phương pháp tự nhiên vừa hiệu quả vừa an toàn.
5. Ribavirin
Ribavirin, hay còn được gọi là tribavirin, là một loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị nhiễm RSV (virus hợp bào hô hấp), viêm gan C và sốt xuất huyết do virus.
Ribavirin không được sử dụng trong khi mang thai, phải ngưng sử dụng thuốc cách 6 tháng trước khi mang thai. Ngoài ra, loại thuốc này có thể được hấp thụ qua da và phổi có thể gây hại cho thai nhi, những phụ nữ có thai hoặc có thể mang thai được khuyến cáo không nên dùng thuốc này hay hít bụi từ các viên thuốc.
6. Uống quá nhiều vitamin và dưỡng chất
Bổ sung vitamin trong thai kỳ luôn là điều bạn nên cân nhắc. Có nhiều người suy nghĩ theo quan niệm “cứ bổ sung thừa còn hơn thiếu” hay “ăn nhiều bổ nhiều”. Điều này đôi khi lại không đúng trong nhiều trường hợp.
Việc thừa vitamin và dưỡng cũng đem lại nhiều ảnh hưởng đến mẹ và bé. Ví như bổ sung một lượng lớn vitamin C ở tháng đầu thai kỳ khiến cản trở việc sản sinh ra hormone progesterone. Khi suy giảm nồng độ progesterone có thể dẫn tới tình trạng niêm mạc tử cung bị bong tróc gây chảy máu, dẫn tới sảy thai. Thừa vitamin B1 thì mẹ bầu dễ mắc phải những triệu chứng như tim đập nhanh, hạ đường huyết, đau đầu. Thừa sắt dễ gây buồn nôn, táo bón.
Vì thế, để hạn chế nhiều nguy cơ tiềm ẩn, bạn nên tuân thủ theo chỉ định về hàm lượng vitamin và dưỡng chất hàng ngày theo khuyến nghị.
7. Thuốc trị trầm cảm Lexapro
Lexapro (escitalopram) thuộc một nhóm các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs), có tác dụng thay đổi nồng độ các chất tự nhiên (serotonin) trong não. Serotonin có ảnh hưởng đến tâm trạng và giúp giảm trầm cảm. Do đó, loại thuốc này được sử dụng để điều trị chứng lo âu, rối loạn trầm cảm và các rối loạn thần kinh khác.
Loại thuốc này thường được bác sĩ kê đơn cho phụ nữ mang thai khi thấy được lợi ích hơn những mối nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy Lexapro thực sự có thể gây ra các bệnh về tim, tật nứt đốt sống, chân quẹo, sinh non và tăng nguy cơ sảy thai.
Phụ nữ mang thai không nên dùng loại thuốc này vì nó có thể ảnh hưởng đến mẹ và bé. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy loại thuốc này gây ra những tác động không tốt đối với thai nhi.
8. Một số thuốc kháng sinh
Nhiễm trùng ở phụ nữ mang thai vẫn thường xuyên xảy ra, lúc này bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc kháng sinh để điều trị. Dùng thuốc kháng sinh an toàn khi mang thai phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau như:
- Loại kháng sinh
- Thời điểm thai kỳ
- Liều lượng
- Tác dụng phụ
- Thời gian dùng kháng sinh
Tuy nhiên, có những loại thuốc kháng sinh bạn nên lưu tâm như
- Tetracycline có thể làm mất màu răng của em bé đang phát triển, do đó loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng sau tuần thai thứ 15.
- Thuốc kháng sinh sulfa, kết hợp với kháng sinh trimethoprim có trong thuốc septra hoặc bactrim thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng tiết niệu hoặc các bệnh nhiễm trùng khác.
- Ciprofloxacin và levofloxacin có thể gây ra vấn đề với sự phát triển cơ bắp và xương của em bé cũng như đau khớp và tổn thương thần kinh tiềm ẩn ở người mẹ.
- Fluoroquinolones có thể tăng nguy cơ rách động mạch chủ hoặc vỡ. Điều này có thể dẫn đến chảy máu đe dọa tính mạng. Những người có tiền sử phình mạch hoặc một số bệnh tim có thể tăng nguy cơ tác dụng phụ. Chúng cũng làm tăng nguy cơ sảy thai.
9. Thuốc ngủ
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khẳng định: Không có một loại thuốc ngủ nào hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng thuốc an thần, dạng như thuốc ngủ, thường xuyên có thể làm giảm chỉ số thông minh của bé và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa bilirubin của trẻ sau khi sinh, dẫn đến vàng da hoặc thậm chí gây tổn thương não.
10. Pepto Bismol
Pepto-Bismol thường được dùng để giảm tiêu chảy và đau dạ dày do ăn quá nhiều thức ăn và đồ uống bao gồm: ợ nóng, khó tiêu, buồn nôn, ợ, ói mửa và cảm giác no.
Thuốc giúp giảm chứng ợ nóng hay trào ngược này tuy có thể giảm bớt sự khó chịu của bà bầu trong thai kỳ, nhưng lại rất nguy hiểm cho thai nhi. Thành phần salicylate trong thuốc có thể gây hại đến thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ.
Xem thêm: Ferrovit – Thuốc bổ máu dành cho bà bầu
Nguồn tham khảo:
Medications You Should Avoid During Pregnancy – https://www.healthline.com/health/pregnancy/category-c-drugs