Mụn là hiện tượng thường gặp ở tuổi dậy thì, do sự thay đổi nội tiết tố, do chế độ ăn uống hoặc do không làm sạch da đúng cách. Có rất nhiều cách để trị mụn như sử dụng thuốc bôi, thuốc uống, điều chỉnh chế độ ăn uống… Để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp, bạn cần xác định nguyên nhân gây mụn, mức độ viêm và số lượng mụn trên da. Hãy cùng Iron Woman tìm hiểu cách trị mụn ở tuổi dậy thì đơn giản mà mang lại hiệu quả dưới đây nhé!
Mụn là gì?
Mụn là một loại bệnh da liễu, phát sinh từ sự rối loạn chức năng của các hormone và tuyến nhờn dưới da (tuyến bã nhờn và các nang lông), từ đó hình thành nên những tổn thương trên da và biểu hiện bằng một khối u nhỏ trên bề mặt da, có thể làm đau, đỏ hay sưng.
Mụn có thể hình thành ở bất cứ đâu trên làn da của chúng ta, đặc biệt chúng thường xuất hiện trên mặt, cổ, lưng, ngực và vai. Tùy theo bệnh lý, có thể có các loại mụn như: mụn trứng cá, mụn mủ, mụn nước, mụn cóc,… Mụn trứng cá nặng nếu không biết cách điều trị, chăm sóc da hợp lý có thể dẫn đến sẹo vĩnh viễn.
Mụn trứng cá là vấn đề da liễu phổ biến có thể gặp ở mọi đối tượng. Mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các nốt mụn trên da tác động không nhỏ đến ngoại hình, yếu tố thẩm mỹ và tâm lý. Thống kê cho thấy, mụn trứng cá thường khởi phát ở độ tuổi dậy thì (từ 11 – 17 tuổi) và có xu hướng giảm dần khi bước sang tuổi 30.
Nguyên nhân gây ra mụn ở tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là giai đoạn cơ thể có nhiều sự biến đổi lớn cả về tâm sinh lý lẫn sự phát triển thể chất. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của mụn cũng là một trong những đặc điểm cho thấy bạn đã bắt đầu bước vào lứa tuổi dậy thì.
Có nhiều nguyên nhân gây khó khăn trong việc khắc phục tình trạng mụn ở lứa tuổi này vì đa phần những người trẻ có lối sống, sinh hoạt không điều độ, thường xuyên thức khuya, ăn uống các thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ.
Theo các bác sĩ Da liễu, mụn trứng cá xuất hiện tuổi dậy thì do các nguyên nhân sau:
- Gia tăng hormone androgen: Hormone androgen có xu hướng tăng lên ở cả nữ giới và nam giới trong độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, khi cơ thể sản sinh hormone nhiều hơn khiến tuyến bã nhờn bị kích thích và hoạt động mạnh mẽ. Điều này dễ khiến lỗ chân lông bị tắc và vô tình khiến loại vi khuẩn gây mụn có tên Propionibacterium Acnes phát triển mạnh mẽ hơn.
- Vệ sinh da mặt kém: Vệ sinh da mặt kém là điều kiện thuận lợi để dầu thừa tắc nghẽn trong lỗ chân lông, kích thích sự phát triển của vi khuẩn P. acnes. Mỗi phút, có đến 50.000 tế bào trên da bị chết đi. Chúng không thể tự bong tróc hết ra được. Một phần tế bào chết sẽ bám dính chặt trên bề mặt da và bít kín lỗ chân lông. Chúng có thể kết hợp với dầu nhờn và vi khuẩn gây nhiễm trùng da.
- Một số nguyên nhân khác: Ngoài ra, mụn trứng cá xuất hiện ở tuổi dậy thì còn có thể khởi phát do một số nguyên nhân khác như dị ứng mỹ phẩm, thức khuya, chế độ ăn uống không phù hợp, rối loạn nội tiết tố, rối loạn kinh nguyệt, căng thẳng do áp lực từ việc học tập, hay thiếu hụt vitamin, khoáng chất… cũng dễ gặp tình trạng này.
Ở giai đoạn dậy thì, da mặt có độ nhạy cảm cao nên rất dễ để lại sẹo thâm, sẹo rỗ,… nếu không xử lý và điều trị mụn trứng cá đúng cách.
Cách trị mụn ở tuổi dậy thì
1. Dùng benzoyl peroxide và acid salicylic
Các loại thuốc thoa trị mụn không kê đơn thường chứa Axit Salicylic hoặc Benzoyl Peroxide. Những chất này có khả năng chống viêm, đồng thời làm giảm lượng dầu thừa trên da. Những tác dụng này sẽ giúp bạn điều trị các nốt mụn hiện có và ngăn ngừa tình trạng mụn tái phát.
- Axit salicylic có khả năng tẩy tế bào chết, làm thông thoáng nang lông và loại bỏ dầu thừa tích tụ sâu trong lỗ chân lông. Ngoài ra, loại thuốc này còn giúp kiểm soát hoạt động bài tiết dầu thừa, giảm viêm, sát trùng và làm khô cồi mụn. Bên cạnh đó, sử dụng thuốc bôi chứa Axit salicylic trong thời gian dài còn ngăn ngừa mụn tái phát và thu nhỏ lỗ chân lông.
- Thuốc bôi chứa Benzoyl peroxide (2.5 – 10%) được sử dụng đối với các nốt mụn trứng cá lớn, viêm đỏ và có mủ trắng. Hoạt chất này hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả với hầu hết các loại mụn như mụn cám, mụn bọc, mụn viêm … theo cơ chế thẩm thấu và xâm nhập sâu vào lỗ chân lông, làm chậm sự tiến triển của mụn và diệt vi khuẩn gây mụn, tạo điều kiện cho oxy diệt vi khuẩn gây mụn (vi khuẩn mụn không thể sống trong môi trường có oxy). Tuy nhiên loại thuốc này chỉ được sử dụng tại vị trí nốt mụn và cần hạn chế tình trạng lạm dụng.
2. Dùng retinol
Retinol là một trong những thành phần được nghiên cứu rộng rãi nhất về khả năng chống lão hóa, điều trị mụn, giảm nếp nhăn. Retinol (nhóm chất của retinoid) là một dẫn xuất của vitamin A. Chúng hoạt động bằng cách trung hòa các gốc tự do trong da, và có khả năng thấm nhanh vào bên trong, thúc đẩy quá trình tái sinh tế bào. Nhờ vậy, chất này được ví như một sản phẩm (giải quyết được mọi vấn đề về da) và được các bác sĩ da liễu ưu tiên khuyên dùng trong quá trình chăm sóc da.
3. Dùng kháng sinh dạng bôi hoặc uống
Bác sĩ có thể kê toa cho bạn dùng thuốc kháng sinh hàng ngày, chẳng hạn như Tetracycline. Loại thuốc này có thể giúp chống lại vi khuẩn và nhiễm trùng từ trong ra ngoài. Thuốc kháng sinh cũng thường được kết hợp với các loại thuốc thoa để tăng hiệu quả điều trị.
4. Không tự ý nặn mụn
Việc nặn mụn không đúng cách có thể làm vỡ cấu trúc da khiến da bị nhiễm trùng và đen sạm các vùng da xung quanh. Để lại sẹo vĩnh viễn với các ổ mụn to trên làn da do khi nặn mụn sẽ gây kích ứng vùng da đang bị viêm. Trong trường hợp nhân mụn ẩn sâu dưới da, bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ lấy nhân mụn chuẩn y khoa.
5. Có quy trình chăm sóc da hợp lý
Chăm sóc da là một việc hàng ngày, thường xuyên và vô cùng quan trọng. Để da hết mụn bạn cần phải có quy trình chăm sóc da đúng cách, chứ không phải chỉ dùng mỗi sản phẩm sữa rửa mặt là hết mụn. Chăm sóc da mặt thường xuyên sẽ giúp tăng lưu thông máu và kích thích da. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, chăm sóc da thường xuyên làm ngăn chặn quá trình lão hóa sớm, giảm thiểu các tình trạng: nám da, sạm da, mụn, ngăn sự mất nước trên da. Bạn có thể tham khảo các bước chăm sóc da dưới đây:
- Bước 1: Tẩy trang
- Bước 2: Rửa mặt làm sạch da
- Bước 3: Tẩy tế bào chết 2 lần/tuần
- Bước 4: Sử dụng nước cân bằng (Toner)
- Bước 5: Dùng các mỹ phẩm đặc trị dành cho da mụn
6. Lưu ý đến chế độ dinh dưỡng
Thực tế cho thấy, hầu hết người ở độ tuổi dậy thì đều có chế độ ăn uống không khoa học. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bài tiết bã nhờn của da và nồng độ nội tiết. Vì vậy để kiểm soát mụn trứng cá và các vấn đề da liễu khác, cần điều chỉnh một số thói quen ăn uống sau:
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều đường và sữa động vật. Nhóm thực phẩm này có thể làm tăng nồng độ insulin trong máu, từ đó kích thích bã nhờn bài tiết quá mức và gây viêm đỏ nang lông.
- Hạn chế dùng thức ăn nhanh, đồ ăn vặt, bánh kẹo, socola và các loại thực phẩm chế biến sẵn. Hầu hết các loại thực phẩm này đều chứa nhiều dầu mỡ, gia vị và chất bảo quản. Dung nạp quá nhiều các thành phần này khiến da đổ nhiều dầu, kích thích hiện tượng viêm đỏ và đau nhức ở mụn trứng cá.
- Cần uống nhiều nước, bổ sung rau xanh, củ và trái cây vào chế độ dinh dưỡng. Khoáng chất, nước và vitamin trong các nhóm thực phẩm này giúp dưỡng ẩm da, hạn chế hoạt động bài tiết bã nhờn và hỗ trợ giảm hiện tượng viêm đỏ ở nốt mụn.
- Tăng cường sử dụng các nhóm thực phẩm chứa kẽm như hàu, hạt bí, bí đỏ, gan cừu và lúa mì. Kẽm có khả năng giảm mụn trứng cá, ức chế vi khuẩn P. acnes và tăng cường sức đề kháng cho da.
- Ngoài ra tuổi dậy thì nên bổ sung viên uống bổ sung sắt, kết hợp các các dưỡng chất tạo máu như acid folic, vitamin B12. Tất cả các dưỡng chất này sẽ giúp cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt, tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa thiếu máu ở tuổi dậy thì, cũng là nguyên nhân tác động đến ảnh hưởng xấu đến làn da của bạn.
Nguồn tham khảo:
Why Do I Get Acne? – https://kidshealth.org/en/teens/acne.html
Acne – https://kidshealth.org/en/kids/acne.html
Skin Conditions: Teenage Acne – https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/teenage-acne#1
10 Acne Treatments for Teens – https://www.healthline.com/health/skin-disorders/acne-treatment-for-teens