Một thai kỳ khỏe mạnh là điều mà hầu hết mọi người đều quan tâm và mong mỏi. Việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ cho bà bầu không chỉ giúp tầm soát sức khỏe của mẹ và bé, mà còn kịp thời phát hiện ra những bất thường để có biện pháp can thiệp hợp lý.
I. Vì sao cần khám thai định kỳ?
Lịch trình khám thai định kỳ là bước không thể thiếu trong quá trình mang thai với rất nhiều lợi ích dưới đây:
- Nắm rõ tình hình phát triển của thai nhi cùng sức khoẻ của mẹ bầu thông qua các lần khám thai
- Được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hay những điều cần tránh khi mang thai
- Vì tính chính xác của kết quả xét nghiệm chỉ ở trong một khoảng thời gian nhất định
- Đặc biệt với những phụ nữ từng sảy thai, sinh non, sức khoẻ kém, việc khám thai định kỳ giúp hạn chế những rủi ro đã từng gặp phải
- Dự tính được ngày bé chào đời để có thể kế hoạch chuẩn bị đồ dùng cho bé
Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy rằng những bà mẹ tuân thủ lịch khám thai định kỳ có tỷ lệ thai nhi tử vong thấp hơn so với mẹ bầu không thăm khám thường xuyên. Bên cạnh đó, tỷ lệ những đứa trẻ được sinh ra từ các mẹ bầu không khám thai có trọng lượng nhẹ hơn so với các mẹ bầu thường xuyên khám thai.
II. Những cột mốc cần lưu ý khi khám thai định kỳ
Một lịch khám thai và siêu âm định kỳ chuẩn thường sẽ có khoảng 8 lần tuỳ thuộc vào thể trạng của mỗi người:
Tam cá nguyệt đầu tiên
1. Lần khám thai đầu tiên
Vào khoảng 5-8 tuần thai, mẹ bầu cần tiến hành thực hiện lần khám đầu tiên. Đây là cột mốc rất quan trọng để xác định liệu bạn thực sự có thai hay không và xác định vị trí làm tổ của phôi thai.
2. Lần khám thai thứ 2
Lần này sẽ vào khoảng 8 tuần thai, và được lên lịch hẹn bởi bác sĩ sau lần thăm khám đầu tiên. Bác sĩ sẽ siêu âm xác định tim thai, các vấn đề của phôi thai một cách toàn diện hơn, nếu trong lần đầu đi khám chưa xác định được do thai còn quá nhỏ.
3. Lần khám thai thứ 3
Tuần thai thứ 10 – 13 tuần 6 ngày, bạn sẽ tiến hành thăm khám thai lần thứ 3 với mục đích tầm soát các dị tật ở thai nhi.
- Xét nghiệm Thalassemia nguy cơ bị bệnh thiếu máu di truyền, hồng cầu bị vỡ sớm dẫn đến thiếu oxy
- Xét nghiệm Double test: đo nhịp tim của thai nhi
- Siêu âm kiểm tra dị dạng chi
- Siêu âm kiểm tra thoát vị cơ hoành
- Siêu âm đo độ mờ da gáy đánh giá nguy cơ bị bệnh Down của thai
Tam cá nguyệt thứ hai
4. Lần khám thai thứ 4
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sự phát triển của thai nhi và các nguy cơ về dị tật bẩm sinh vào giai đoạn từ 14 – 16 tuần thai.
5. Lần khám thai thứ 5
Bằng các xét nghiệm dị tật chính xác hơn (chọc ối, Triple Test…), bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám sức khỏe của cả mẹ và bé, đảm bảo thai kỳ diễn ra bình thường.
6. Lần khám thai thứ 6
Khi thai nhi vào 20-24 tuần tuổi, mẹ bầu cần tiến hành thăm khám với mục đích kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận…) và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối. Nếu phát hiện có bất kỳ bất thường nào nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu dừng thai kỳ vào giai đoạn này.
7. Lần khám thai thứ 7
Thai nhi giờ đây đã vào độ tuổi từ 24 tuần – 27 tuần 6 ngày. Lần khám thai được diễn ra để kiểm tra sự bất đồng nhóm máu, sự thay đổi bất thường trên cơ thể mẹ có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi.
Tam cá nguyệt thứ 3
8. Lần khám thai thứ 8
Bé yêu của bạn đã đi đến chặng đường cuối thai kỳ và cần được thăm khám vào khoảng 28 – 36 tuần tuổi. Lần này, các bác sĩ sẽ kiểm tra ngôi thai, sự phát triển của thai, và tiêm phòng cuống rốn.
Kể từ sau lần khám thai này, mẹ bầu có thể theo dõi tại nhà cử động thai nhi (khoảng 4 lần/ giờ) và chuẩn bị sẵn sàng cho việc đón con chào đời. Nếu thấy những biểu hiện như đau bụng, ra máu âm đạo, thai máy yếu và các dấu hiệu bất thường khác, bạn phải nhanh chóng tái khám tại các cơ sở y tế và bệnh viện chuyên khoa.
III. Mẹ bầu cần lưu ý những gì trước khi khám thai
Trước khi đi khám thai, mẹ bầu cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây:
- Lựa chọn bác sĩ hoặc những cơ sở y tế có uy tín để các bước thăm khám diễn ra đúng quy trình, an toàn và có độ chính xác.
- Chuẩn bị trước những băn khoăn, trăn trở của bản thân, ghi chú lại để có thể nhận được sự giải đáp từ phía bác sĩ một cách tốt nhất, tránh thiếu sót.
- Trước khi đi khám thai khoảng 1 tiếng, bà bầu nên uống nhiều nước để bác sĩ khi siêu âm có thể quan sát thai nhi dễ dàng hơn.
- Nên hạn chế sử dụng sản phẩm có chứa chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, nước ngọt có gas, nước trái cây… trước khi tiến hành siêu âm để kết quả chính xác hơn.
IV. Một số yếu tố nguy cơ khiến mẹ bầu cần khám thai nhiều hơn so với thông thường
Nếu bạn rơi vào một trong những nhóm có nhiều nguy cơ như sau, bạn cần thăm khám thai nhiều hơn:
- Thai phụ trên 35 tuổi: Sau độ tuổi 35, bạn có nhiều khả năng sinh con bị dị tật bẩm sinh. Bạn cũng có nguy cơ cao bị các biến chứng khi mang thai.
- Thai phụ có tiền sử bệnh lý nền như: tiểu đường, cao huyết áp, hen suyễn, thiếu máu, béo phì… khiến quá trình mang thai dễ gặp nhiều biến chứng.
- Thai phụ có vấn đề phát sinh trong thai kỳ như: tiền sản giật, huyết áp cao, tiểu đường thai kỳ… Những vấn đề này hầu hết được bác sĩ phát hiện ra thông qua các lần thăm khám suốt thai kỳ. Nếu vướng phải những bệnh lý trên, bà bầu cần phải thăm khám thường xuyên để được tầm soát tình trạng sức khỏe, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
- Thai phụ có nguy cơ chuyển dạ, sinh non. Bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi bạn chặt chẽ hơn nếu bạn có tiền sử sinh non hoặc có nguy cơ chuyển dạ sớm trong thai kỳ 9 tháng 10 ngày.
Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ phải trải qua nhiều biến đổi về tâm lý, nội tiết, thể chất… trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau. Mẹ bầu cần chú ý lịch khám thai định kỳ để được tầm soát về những biến đổi này, can thiệp kịp thời khi có yếu tố bất thường, đảm bảo quá trình mang thai thuận lợi và an toàn.
Nguồn tham khảo:
1. How Often Do I Need Prenatal Visits?
https://www.webmd.com/baby/how-often-do-i-need-prenatal-visits
2. Prenatal Care Checkups
https://www.marchofdimes.org/pregnancy/prenatal-care-checkups.aspx
3. Importance of prenatal care in reducing stillbirth
https://obgyn.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/1471-0528.14696