Cường kinh là một vấn đề mà bất kỳ chị em nào cũng có thể gặp phải. Tình trạng này tưởng chừng như bình thường nhưng lại ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và khả năng sinh sản của chị em nói riêng. Để tìm hiểu chi tiết hơn về cường kinh là gì, nguyên nhân và cách điều trị ra sao, bạn hãy tham khảo thêm phần nội dung trong bài viết sau.
I. Tổng quan về chu kỳ kinh nguyệt:
Kinh nguyệt xuất hiện do sự thay đổi hormone sinh dục ở nữ giới và thường bắt đầu trong độ tuổi dậy thì từ 12 – 17 tuổi. Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài từ 28 – 30 ngày. Thời gian hành kinh trong khoảng từ 3 – 5 ngày. Lượng máu kinh trung bình khoảng 80ml/ ngày. Tùy theo cơ địa ở mỗi người mà chu kỳ, ngày hành kinh có thể dài hoặc ngắn hơn.
Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ hiện nay thường bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và dễ dẫn đến các chứng rối loạn kinh nguyệt. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Mất cân bằng nội tiết tố
- Tăng hoặc giảm cân
- Ăn uống thiếu chất
- Vận động quá nhiều
- Bệnh lý liên quan đến buồng trứng
- Thời kỳ tiền mãn kinh
- Tâm lý căng thẳng
II. Cường kinh là gì?
Cường kinh là một dạng rối loạn kinh nguyệt thường xuất hiện ở phụ nữ. Tình trạng này có thể nhận biết được nếu chu kỳ kinh nguyệt của các bạn xảy ra ngắn hơn hoặc dài hơn so với kỳ kinh bình thường và kèm theo đó là lượng máu hành kinh ra nhiều, ồ ạt và kéo dài. Ngoài ra, cường kinh còn có một số dấu hiệu khác như:
- Một ngày phải thay băng vệ sinh rất nhiều lần
- Máu ra vón thành từng cục
- Kèm theo các cơn đau bụng dữ dội
Trên thực tế rất nhiều chị em bị nhầm lẫn giữa cường kinh và rong huyết. Cường kinh được hiểu là lượng máu ra nhiều trong một chu kỳ. Rong huyết là tình trạng ra máu rỉ rả kéo dài từ chu kỳ này sang chu kỳ khác. Tuy nhiên bất kể là cường kinh hay rong kinh thì cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể dẫn đến thiếu máu thiếu sắt ở nữ giới.
III. Nguyên nhân gây cường kinh
Nguyên nhân của cường kinh có thể đến từ việc rối loạn nội tiết tố xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi dậy thì hoặc phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh. Bởi vì các đối tượng này có hàm lượng estrogen rối loạn và không ổn định. Ngoài ra, một số bệnh lý và các biện pháp tránh thai sau đây cũng là nguyên do dẫn đến cường kinh.
- Polyp cổ tử cung
- Polyp nội mạc tử cung
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư nội mạc tử cung
- U xơ tử cung
- Viêm nhiễm phụ khoa
- Bệnh tự miễn
- Sử dụng thuốc ngừa thai
- Lệch vòng tránh thai
IV. Cách điều trị cường kinh
Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng cường kinh chính vì thế chị em không nên lơ là mà hãy chăm sóc sức khỏe của mình tốt nhất. Nếu trong 2 – 3 chu kỳ gần đây bạn xuất hiện các triệu chứng cường kinh thì hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Một số các xét nghiệm có thể được thực hiện để xác định rõ nguyên nhân của cường kinh bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Siêu âm tử cung
- Lấy dịch âm đạo
Sau khi đã xác định được nguyên do dẫn đến cường kinh, bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện các phương pháp điều trị phù hợp.
- Nếu cường kinh bị gây ra bởi cơ thể mất cân bằng hormone sẽ được chữa trị bằng cách sử dụng thuốc nội tiết. Bác sĩ sẽ tiến hành kê toa và chỉ định đúng liều lượng với từng người. Các bạn không tự ý mua các loại thuốc nội tiết để sử dụng tại nhà khi chưa tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
- Việc đặt vòng tránh thai không đúng cách hoặc cái que tránh thai quá hạn cũng có thể dẫn đến cường kinh. Lúc này các bác sĩ sẽ tiến hành đặt lại vòng cho đúng vị trí hoặc cấy lại vòng tránh thai mới.
- Một số loại bệnh lý phụ khoa có thể biểu hiện bằng tình trạng cường kinh. Lúc này người bệnh sẽ được điều trị song song để chữa bệnh kết hợp với việc uống các viên thuốc bổ sung sắt ngăn ngừa thiếu máu. Nếu các bệnh lý liên quan có thể được kiểm soát thì tình trạng rong kinh cũng sẽ thuyên giảm, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường.
Đề phòng tránh hiện tượng cường kinh, các chị em phụ nữ cần lưu ý những điều sau:
- Chế độ sinh hoạt hợp lý, khoa học
- Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng
- Giữ gìn vùng kín sạch sẽ
- Chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ
- Dùng các viên uống bổ sung sắt
- Khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh lý phụ khoa.
Nguồn tham khảo:
1. Heavy periods
https://www.nhs.uk/conditions/heavy-periods/
2. What causes heavy periods and how to stop them
https://www.healthpartners.com/blog/what-causes-heavy-periods-and-how-to-stopthem/