Thiếu máu hồng cầu nhỏ là tình trạng thiếu máu có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi. Trong một số trường hợp, thiếu máu có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe. Bạn đã biết về tình trạng thiếu máu này? Hãy cùng Iron Woman tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị căn bệnh này nhé!
Thiếu máu hồng cầu nhỏ là gì?
Thiếu máu hồng cầu nhỏ là tình trạng các mô và cơ quan của cơ thể không nhận đủ oxy. Việc thiếu oxy này có thể xảy ra do cơ thể không có đủ hồng cầu hoặc do các tế bào hồng cầu không chứa đủ hemoglobin, một loại protein vận chuyển oxy trong máu. Khi thiếu hemoglobin, tế bào hồng cầu sẽ có kích thước nhỏ hơn và có thể mang ít oxy hơn.
Đây không phải là một căn bệnh nhất định mà là tình trạng mô tả một số loại thiếu máu khác nhau.
Triệu chứng thiếu máu hồng cầu nhỏ
Các triệu chứng thiếu máu hồng cầu nhỏ thường rất khó để nhận biết trong thời gian đầu. Chúng sẽ xuất hiện ở giai đoạn tiến triển khi việc thiếu tế bào hồng cầu đang ảnh hưởng đến các mô của cơ thể bạn.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh:
- Mệt mỏi, yếu ớt
- Sức chịu đựng kém, dễ bệnh
- Hụt hơi
- Chóng mặt
- Da nhợt nhạt
- Bên trong mí mắt hoặc dưới móng tay có màu nhạt hơn
- Dễ cáu gắt
- Nhịp tim nhanh
- Bàn chân, tay lạnh
- Mắc hội chứng Pica, thích ăn những thứ kỳ lạ như giấy, bụi bẩn và đất sét.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này và chúng không thuyên giảm trong vòng hai tuần, hãy hẹn gặp bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn nên thăm khám càng sớm càng tốt nếu thường xuyên bị chóng mặt hoặc khó thở nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm:
Bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị
Thiếu máu thiếu sắt: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị thế nào?
Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu hồng cầu nhỏ
Các nguyên nhân gây bệnh có thể được phân loại dựa trên số lượng hemoglobin có trong hồng cầu.
1. Thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc
Thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ là gì? Các dạng của bệnh thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ.
Bệnh xảy ra do nồng độ hemoglobin trong các tế bào hồng cầu xuống thấp, khiến hồng cầu có màu nhạt hơn. Khi mắc tình trạng thiếu máu này, lượng hồng cầu trong cơ thể sẽ thấp hơn, lại vừa nhỏ hơn và nhạt hơn bình thường.
Hội chứng thiếu máu nhược sắc hồng cầu nhỏ có thể gặp ở nhiều độ tuổi, giới tính khác nhau. Tuy nhiên đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và trẻ em thường chiếm tỷ lệ cao hơn.
Các dạng thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc:
Thiếu máu thiếu sắt: Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh là do thiếu chất sắt trong cơ thể. Lý do thiếu sắt thường thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính của một người. Thiếu máu thiếu sắt có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
- Phụ nữ mang thai thiếu máu do nhu cầu sắt ở phụ nữ mang thai tăng cao.
- Thiếu hụt dinh dưỡng thường là nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở cả trẻ em và người lớn.
- Cơ thể không thể hấp thụ sắt do mắc các bệnh gây rối loạn chuyển hóa sắt.
- Có kinh nguyệt, mất máu kinh nguyệt là thủ phạm phổ biến nhất gây thiếu sắt ở nữ giới.
- Mất máu cũng có thể là kết quả của tình trạng chảy máu trong, xuất huyết đường tiêu hóa trên hoặc bệnh viêm ruột.
Bệnh thalassemia: Bệnh thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh) là một rối loạn về máu mà cơ thể tạo ra một dạng hemoglobin bất thường, khiến cơ thể bạn không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh bình thường. Rối loạn này là kết quả của sự phá hủy quá mức các tế bào hồng cầu.
Thiếu máu nguyên hồng cầu: Cơ thể bị thiếu máu nguyên hồng cầu do không thể sử dụng sắt để tạo ra hemoglobin. Sự tích tụ sắt trong máu dẫn tới hình thành các tế bào hồng cầu bất thường. Tình trạng này có thể xảy ra do tiếp xúc với một số hóa chất hoặc thuốc. Ngoài ra, đột biến gen cũng làm gián đoạn quá trình bình thường sản xuất huyết sắc tố.
2. Thiếu máu hồng cầu nhỏ đẳng sắc
Đây là tình trạng thiếu máu nhưng lượng hemoglobin trong các tế bào hồng cầu vẫn nằm ở bình thường, có màu đỏ không quá nhạt hoặc quá đậm.
Những người mắc các bệnh do viêm như viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, bệnh tiểu đường, hoặc mắc bệnh mãn tính như ung thư, bệnh thận, các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao, HIV/AIDS, viêm nội tâm mạc… thường gặp phải tình trạng thiếu máu này.
Các căn bệnh trên ngăn chặn tế bào hồng cầu hoạt động một cách bình thường, dẫn đến việc giảm hấp thu hoặc sử dụng chất sắt trong cơ thể. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ mắc thêm tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ.
3. Thiếu máu hồng cầu nhỏ ưu sắc
Bệnh xảy ra khi các tế bào hồng cầu có nhiều huyết sắc tố hơn bình thường. Nồng độ hemoglobin cao trong tế bào hồng cầu làm cho máu có màu đỏ đậm hơn bình thường.
Tình trạng thiếu máu này xảy ra do suy tủy, do hồng cầu bị hủy hoại (nguyên nhân từ bệnh tan huyết, sốt rét, sốt vàng da, liên cầu tan huyết, nhiễm độc), do mất máu cấp (đứt mạch máu, vỡ phủ tạng, vỡ chửa ngoài dạ con, vỡ tử cung…).
Thiếu máu hồng cầu nhỏ có nguy hiểm không?
Người bị thiếu máu nhẹ có thể cảm thấy bản thân bình thường và cơ thể chưa bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian đầu. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, khiến các cơ quan này bị tổn hại theo thời gian.
Trong trường hợp nghiêm trọng và không được điều trị, thiếu máu hồng cầu nhỏ có thể trở nên nguy hiểm do bệnh gây thiếu oxy đến các mô. Từ đó, có thể gây ra các biến chứng:
- Sốc
- Vấn đề về phổi
- Huyết áp thấp
- Vấn đề động mạch vành
- Tử vong
Những biến chứng thiếu máu trên thường phổ biến ở người lớn tuổi đã mắc các bệnh về phổi hoặc tim mạch.
Cách điều trị thiếu máu hồng cầu nhỏ
Việc điều trị thiếu máu hồng cầu nhỏ thường tập trung vào điều trị nguyên nhân cơ bản của tình trạng này. Các bác sĩ có thể cần phải thực hiện một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.
Nếu bị thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ có thể khuyên bạn nên bổ sung sắt và vitamin C. Chất sắt sẽ giúp điều trị bệnh thiếu máu, trong khi vitamin C sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể.
Phụ nữ bị thiếu sắt nghiêm trọng do mất máu nhiều trong kinh nguyệt có thể được chỉ định liệu pháp hormone, chẳng hạn như thuốc tránh thai.
Trong trường hợp tình trạng bệnh nghiêm trọng đến mức có nguy cơ bị biến chứng như suy tim, người bệnh có thể cần truyền máu. Điều này có thể làm tăng số lượng tế bào hồng cầu khỏe mạnh mà cơ thể cần.
Các lựa chọn điều trị khác bao gồm:
- Dùng thuốc kích thích cơ thể tạo ra nhiều tế bào hồng cầu.
- Phẫu thuật để điều trị loét dạ dày gây xuất huyết hoặc khối u trong ruột.
- Dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng mãn tính gây thiếu máu.
- Thực hiện liệu pháp Chelation giảm mức độ chì trong cơ thể, đặc biệt là thiếu máu hồng cầu nhỏ ở trẻ em, vì tình trạng này khiến trẻ dễ bị ngộ độc chì.
Nguồn tham khảo:
Everything You Need to Know About Microcytic Anemia – https://www.healthline.com/health/microcytic-anemia
What is microcytic anemia? – https://www.medicalnewstoday.com/articles/319050.php