Hồng cầu là loại tế bào máu có chức năng chính là hô hấp, chuyên chở hemoglobin, qua đó đưa oxy từ phổi đến các mô. Thiếu hồng cầu làm ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể. Để tăng hồng cầu trong máu, bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp trong đó bổ sung thực phẩm dinh dưỡng là phương pháp không nên bỏ qua.
Vì sao cần tăng hồng cầu trong máu?
Hồng cầu là tế bào chiếm số lượng nhiều nhất trong máu. Hồng cầu được sản xuất ở tủy xương với vai trò vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Ngoài ra, hồng cầu tiếp thu chất thải và đem trở lại phổi, nhận lại khí cacbonic (CO2) từ các mô trở về phổi để đào thải. Hồng cầu đi khắp cơ thể trong 120 ngày, sau đó đến gan và bị tiêu hủy tại đây.
Hồng cầu là tế bào máu có thời hạn, vì thế lượng hồng cầu bị tiêu hủy phải bằng với lượng hồng cầu được tạo ra để cân bằng các hoạt động của cơ thể. Thiếu hồng cầu, con người cảm thấy mệt mỏi, yếu sức, da xanh xao và dẫn đến tình trạng thiếu máu.
Do đó, tăng hồng cầu trong máu không những giúp chu kỳ sống của hồng cầu ổn định mà còn hạn chế được một số bệnh tiềm ẩn.
6 nhóm chất cần bổ sung để tăng hồng cầu trong máu
Ăn gì để tăng hồng cầu, thiếu hồng cầu nên ăn gì, thực phẩm nào giúp tăng hồng cầu là những câu hỏi được nhiều người quan tâm khi tìm hiểu về những cách giúp tăng hồng cầu trong máu hiệu quả. Dưới đây là 6 nhóm chất giúp bạn trả lời những câu hỏi trên.
1. Thực phẩm giàu chất sắt giúp tăng hồng cầu
Chất sắt là khoáng chất không còn xa lạ với nhiều người, đóng vai trò quan trọng trong tổng hợp hemoglobin (huyết sắc tố – vận chuyển oxy từ phổi đến tất cả các cơ quan) và myoglobin (sắc tố mang oxy của mô cơ). Ngoài ra, sắt còn tham gia vào cấu tạo của nhiều enzyme, tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể.
Sắt mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là đối với máu. Thiếu máu thiếu sắt là một tình trạng thiếu máu phổ biến. Chúng gây ra các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, da xanh xao… ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh. Đối tượng cần chú ý là trẻ tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai và trong thời kỳ kinh nguyệt, người hấp thụ sắt kém, người ăn chay trường.
Theo nhiều nghiên cứu thực phẩm là nguồn bổ sung chất sắt giúp tăng hồng cầu bao gồm động vật có vỏ (nghêu, sò, ốc, hến), thịt đỏ, nội tạng động vật, bông cải, rau bina… Những thực phẩm này nên ăn kèm với những thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thụ sắt cho cơ thể.
2. Thực phẩm chứa vitamin B12 là thức ăn tăng hồng cầu hiệu quả
Vitamin B12 hay được biết với tên gọi là cobalamin là vitamin cần thiết cho cơ thể. Vitamin B12 cũng tham gia quá trình sản xuất máu. Khi thiếu vitamin này, máu được sản xuất bị giảm sút dẫn đến tình trạng thiếu máu. Bên cạnh đó, vitamin B12 còn ngăn ngừa bệnh lý ở mắt, phát triển não bộ, cải thiện sức khỏe tim mạch…
Vitamin B12 không tự sản xuất trong cơ thể, vì thế bạn cần bổ sung vitamin B12 thông qua những thực phẩm bổ dưỡng như thịt đỏ, cá, động vật có vỏ…hoặc bạn cũng có thể nạp chúng bằng viên uống bổ sung.
3. Acid folic giúp cơ thể tăng hồng cầu trong máu
Acid folic được biết đến với tên khác là vitamin B9 hay folate. Acid folic có các công dụng tuyệt vời như điều trị một số bệnh thiếu máu (do thiếu hụt acid folic), ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, giảm nguy cơ ung thư, tăng cường trí nhớ…đặc biệt ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Hàm lượng acid folic cần thiết mỗi ngày là 0.4 mg DFE đối với nam – nữ trên 19 tuổi, 0.6 mg với phụ nữ mang thai và 0.5 mg với phụ nữ cho con bú. Acid folic có trong thực phẩm hàng ngày hoặc được điều chế thành những viên uống bổ sung dưỡng chất.
Những thực phẩm có nguồn acid folic dồi dào như: gan bò, măng tây, các loại rau có màu xanh đậm, một số loại đậu, bánh mì, ngũ cốc, chuối, dưa gang…
4. Vitamin C hỗ trợ cơ thể hấp thu chất sắt
Vitamin C hay acid ascorbic không còn xa lạ với nhiều người với công dụng tăng sức đề kháng thần kỳ giúp cơ thể chống lại được nhiều bệnh tật. Không những thế, vitamin C đóng vai trò như một chất xúc tác giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn. Từ đó, giúp quá trình sản xuất hồng cầu diễn ra suôn sẻ, cung cấp đủ máu cho cơ thể.
Lượng vitamin được khuyến cáo là 90 mg/ngày với nam và 75 mg/ngày với nữ. Nguồn cung cấp vitamin C dồi dào nhất là các thực phẩm thuộc nhóm rau củ và trái cây như ớt chuông, bông cải xanh, cà chua, trái cây có múi, dâu tây, kiwi…những loại thực phẩm này nên được ăn tươi, hạn chế việc chế biến (nấu, chiên, xào) có thể làm biến đổi hoặc giảm lượng dinh dưỡng.
5. Đồng giúp thúc đẩy quá trình sản xuất tế bào máu
Mặc dù đồng không trực tiếp tham gia sản xuất lượng hồng cầu trong máu, nhưng nó giúp sắt tiếp cận với hồng cầu để tổng hợp hemoglobin. Do đó, thiếu hụt đồng sẽ gây khó khăn với việc hấp thụ sắt và nuôi dưỡng hồng cầu.
Thực phẩm có hàm lượng đồng dồi dào bao gồm: gan bò, động vật có vỏ, khoai tây, quả bơ, đậu xanh, đậu hũ, nấm, một số loại hạt…
6. Vitamin A hỗ trợ tăng hồng cầu trong máu
Cũng giống như đồng, vitamin A là chỉ hỗ trợ tăng hồng cầu trong máu chứ không phải là vitamin trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu. Ngoài ra, vitamin A còn là chất giúp nuôi dưỡng tế bào khỏe mạnh, chống oxy hóa vô cùng tuyệt vời.
Vitamin A được khuyến nghị ở mức 0.9 mg/ngày đối với nam và 0.7 mg/ngày đối với nữ. Chúng được bổ sung chủ yếu từ cà rốt, khoai lang, bông cải xanh, thịt bò, cá béo…
Nguồn tham khảo:
How to increase hemoglobin: Home remedies – https://www.medicalnewstoday.com/articles/321530#normal-ranges
How to Increase Your Red Blood Cell Count – https://www.healthline.com/health/how-to-increase-red-blood-cells#supplements-to-try