Vitamin B là những loại vitamin có thể tan được trong nước. Đối với phụ nữ mang thai, bổ sung vitamin và vi chất là điều rất quan trọng trong cả quá trình mang thai. Vậy vitamin B quan trọng như thế nào đối với phụ nữ trong thai kỳ.
Tại sao phải bổ sung vitamin khi mang thai?
Khi mang thai bạn cơ thể bạn cần nhiều dưỡng chất để nuôi phôi thai, lúc này cơ thể bạn cần dưỡng chất nhiều hơn bình thường vì vừa bổ sung cho cả mẹ và bé.
Theo Tiến sĩ Bác sĩ Mary L. Rosser giải thích rằng vitamin giúp quá trình hình thành và phát triển của bé trong bào thai khỏe mạnh, ổn định, hạn chế dị tật. Ngoài ra, vitamin giúp mẹ tràn đầy năng lượng giúp hạn chế những cơn mệt mỏi, giảm buồn nôn, ốm nghén suốt trong quá trình mang thai.
8 vitamin B cần thiết khi mang thai
1. Vitamin B1: Thiamine
Vitamin B1 (thiamine) đóng một phần quan trọng trong sự phát triển trí nào của bé. Nó còn đảm bảo nhiệm vụ điều tiết lượng tinh bột cho bé, tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu. Đối với mẹ vitamin B1 khiến mẹ bầu ngon miệng hơn khi ăn, giúp cân năng lượng và dưỡng chất cần thiết. Phụ nữ mang thai cần khoảng 1.4 mg/ngày để phát triển cho mẹ và thai nhi.
Các nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin B1 bao gồm: bột yến mạch, mầm lúa mì, mì ống, gạo lứt, đậu khô, đậu Hà Lan, đậu phộng, nho khô, súp lơ, bắp, các loại hạt và hạt hướng dương.
2. Vitamin B2: Riboflavin
Giống như tất cả các vitamin B khác, vitamin B2 (riboflavin) tan được trong nước. Do đó, vitamin khó lưu trữ ở mô mà dễ dàng theo hệ bài tiết thải ra ngoài.
Vitamin B2 giúp giải phóng năng lượng từ chất béo, protein (chất đạm), và tinh bột. Vitamin B2 giúp mắt bạn khỏe mạnh, cũng như giúp da hồng hào mịn màng. Thiếu hụt vitamin B2 có thể khiến cho thai nhi bị xương yếu, gây thiếu máu, chức năng tiêu hóa kém.
Lượng vitamin B2 được khuyên dùng trong thời gian mang thai là 1,4 mg/ngày. Các thực phẩm nhiều vitamin B2 như: gan, rau xanh, sữa, sữa chua, phô mai, trứng, thịt gà, nấm, đậu Hà Lan và các loại đậu khác.
3. Vitamin B3: Niacin
Vitamin B3 (niacin) tham gia vào quá trình giải phóng năng lượng từ thực phẩm, giúp cải thiện hệ tiêu hóa, chuyển hóa dinh dưỡng để nuôi thai nhi. Không những thế, vitamin B3 còn là một nhân tố quan trọng thúc đẩy việc lưu thông máu.
Liều dùng vitamin B3 được khuyên dùng đối với phụ nữ mang thai là 18 mg NE (niacin equivalents). Vitamin B3 có nhiều trong các thực phẩm như: thịt, cá, thịt gà, thịt bê, thịt cừu, cá hồi, đậu phộng và nấm.
4. Vitamin B5: Axit pantothenic
Ở phụ nữ mang thai những cơn chuột rút sẽ xảy ra thường xuyên hơn, vitamin B5 là vi chất giúp tạo hormone làm giảm căng thẳng và giúp giảm bớt những cơn chuột rút đột ngột ở phụ nữ mang thai. Chúng còn tham gia vào quá trình chuyển hóa protein, chất béo và carbohydrate, hỗ trợ tiêu hóa tốt
Phụ nữ mang thai cần khoảng 6 mg/ngày vitamin B5. Dưỡng chất này có sẵn trong hầu hết các thực phẩm là động, thực vật như thịt, cá, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa, các loại rau, đậu…
5. Vitamin B6: Pyridoxine
Vitamin B6 (pyridoxine) đóng một phần trong sự phát triển hệ não và hệ thần kinh của bé trong bụng mẹ. Nó cũng rất quan trọng để sản xuất norepinephrine và serotonin. Đây là hai chất dẫn truyền thần kinh quan trọng. Vitamin B6 còn có thể giúp giảm triệu chứng buồn nôn và nôn khi mang thai. Do đó, nó thường được bác sĩ kê đơn điều trị những chứng buồn nôn đầu thai kỳ.
Vitamin B6 được khuyến cáo dùng ở phụ nữ mang thai là 1.9 mg/ngày. Theo một chuyên gia ở bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston đối với phụ nữ ốm nghén nên dùng liều lượng 25 – 50 mg/ngày và không vượt qua mức này. Vitamin B6 thường được tìm thấy trong các loại thức ăn như gan bò, cá hồi, lúa mạch, khoai tây, cà chua, chuối, đậu, gà, trứng…
6. Vitamin B7: Biotin
Vitamin B7 (biotin) tham gia vào quá trình sản xuất axit amin và giúp cơ thể bạn tiêu hóa chất béo, tinh bột và protein. Quá trình phân chia tế bào để phát triển phôi thai rất cần vitamin B7 để việc sao chép DNA có thể diễn ra thuận lợi. Biotin là một chất rất cần thiết cho tóc và móng, bổ sung vitamin còn giúp tóc bóng mượt, móng tay khỏe mạnh.
Quá trình mang thai bạn phải san sẻ dưỡng chất cho thai nhi, do đó việc thiếu hụt dưỡng chất là điều rất dễ hiểu. Lượng vitamin B7 cần thiết khi mang thai là 30 mcg/ngày . Bạn có thể tìm thấy loại vitamin này trong nhiều loại thức ăn bao gồm gan bò, đậu phộng, các loại hạt, trứng, đậu nành, nấm, đậu Hà Lan, quả bơ, súp lơ, sữa, chuối, cà chua và các loại ngũ cốc.
7. Vitamin B9: Axit folic
Vitamin B9 (axit folic hay folate) là một loại vitamin quan trọng giúp hạn chế dị tật bẩm sinh bao gồm tật nứt đốt sống và khuyết tật ống thần kinh khác. Chúng hỗ trợ và đảm bảo não bộ và tủy sống của bé phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, vitamin B9 rất cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu hạn chế thiếu máu.
Phụ nữ được khuyến cáo uống vitamin B9 trước khi mang thai là 400 mcg DFE (dietary folate equivalents) và trong suốt quá trình mang thai là 600 mcg DFE để thai nhi và mẹ khỏe mạnh. Nguồn vitamin B9 thường có trong các thực phẩm như gan bò, rau chân vịt, bơ, măng tay, cam, quả hạch…
8. Vitamin B12: Cobalamin
Vitamin B12 (cobalamin) rất quan trọng đối với sự hình thành các vật chất di truyền, hồng cầu và giữ vai trò thiết yếu trong việc hình thành và củng cố hoạt động của hệ thần kinh. Vitamin B12 phối hợp cùng vitamin B9 (axit folic) có thể giúp bào thai phát triển bình thường, hạn chế một số dị tật bẩm sinh.
Lượng dùng vitamin B12 khuyến cáo cho phụ nữ mang thai là 2.6 mcg/ngày. Nguồn bổ sung vitamin B12 tự nhiên bao gồm các sản phẩm từ động vật như thịt, trứng, sản phẩm sữa và cá. Nếu bạn là một người ăn chay, bạn có thể bổ sung vitamin B12 từ các loại thực phẩm như nấm men dinh dưỡng hoặc sữa đậu nành.
Các chuyên gia dinh dưỡng và sinh sản nhận định vitamin nói chung và vitamin B nói riêng hầu như đều được bổ sung thông qua những thực phẩm hàng ngày. Tuy nhiên, do thể chất khác biệt của mỗi người, đặc biệt là nhu cầu khi mang thai khác nhau nên lượng thiếu hụt cần được bổ sung thông qua việc dùng vitamin bổ sung. Uống vitamin B bổ sung, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn và tư vấn của các bác sĩ để mẹ và bé cùng khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo:
How Important Are B Vitamins in Pregnancy? – https://www.healthline.com/health/pregnancy/b-vitamins#cobalamin