Tham vấn y khoa: BS. Nguyễn Trường Hanh
Việc tìm hiểu sắt fumarat là gì, có tác dụng như thế nào cũng như liều dùng thích hợp sẽ giúp bạn bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
I. Sắt fumarat là gì? Công dụng của sắt fumarat
Sắt fumarat (Ferrous Fumarate) là một dạng sắt hữu cơ có thể được bổ sung bằng đường uống. Loại sắt này được dùng để điều trị và ngăn ngừa bệnh thiếu máu do thiếu sắt. Sắt fumarat là dạng hợp chất có chứa đến 32,87% sắt nguyên tố. Ví dụ 162mg sắt fumarat cung cấp 53,25mg sắt nguyên tố.
Sắt là một khoáng chất tự nhiên có mặt trong cơ thể. Đây là nguyên tố thiết yếu để tạo ra huyết sắc tố – một phần của các tế bào máu, cũng như thực hiện nhiều chức năng khác nhau.
Một số nguyên nhân như mất máu, mang thai hoặc quá ít chất sắt trong chế độ ăn uống của bạn có thể làm cho nguồn cung cấp sắt của bạn giảm xuống quá thấp, dẫn đến thiếu máu. Người bị thiếu máu thường có biểu hiện xanh xao, mệt mỏi, ít năng lượng, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất. Do vậy, việc tăng cường sắt, nhất là sắt fumarat để cơ thể mau hồi phục nên nằm trong danh sách ưu tiên cân nhắc
II. Liều dùng an toàn của sắt fumarat
- Cho việc điều trị bệnh thiếu máu: Lượng sắt cần phải bổ sung cho cơ thể sẽ phụ thuộc vào thể trạng và mục đích điều trị của mỗi người. Đối với người trưởng thành được chẩn đoán mắc bệnh thiếu máu, bác sĩ có thể chỉ định liều lượng sắt nguyên tố từ 50 – 100mg, chia làm 3 lần mỗi ngày. Ở trẻ em, liều lượng khuyến nghị là 4 – 6mg/ kg trọng lượng cơ thể, chia làm 3 lần mỗi ngày. Việc hấp thụ 10 đến 20mg sắt mỗi ngày thúc đẩy quá trình sản xuất hồng cầu xấp xỉ 3 lần so với bình thường. Người bệnh có thể sẽ được yêu cầu tiếp tục dùng sắt bổ sung liên tục trong 4-5 tháng để cơ thể tích lũy lượng sắt dự trữ.
- Người bình thường: lượng sắt khuyến nghị sẽ tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi và chế độ ăn uống hàng ngày. Trung bình, một phụ nữ trưởng thành cần 15mg sắt/ ngày. Tuy nhiên, trong thời kỳ mang thai, nhu cầu này tăng lên gấp đôi. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, phụ nữ lần đầu tiên phát hiện có thai nên sử dụng viên sắt mỗi ngày, kéo dài tới sau sinh một tháng. Liều bổ sung là 60mg sắt, dùng kèm với acid folic 400mcg mỗi ngày. Điều này giúp ngăn ngừa các biến chứng từ thiếu máu do thiếu sắt, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ bầu lẫn thai
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều dạng sản phẩm bổ sung sắt ở dạng nước và viên nén. Trong đó, người dùng nên lưu ý lựa chọn sắt hữu cơ để cơ thể dễ hấp thụ hơn. Bên cạnh đó, mặc dù có thể sử dụng cả sắt ferrous (sắt 2+) và sắt ferric (sắt 3+) nhưng sắt ferrous dễ đi vào ruột và được hấp thụ lớn hơn gấp 3 lần so với cùng lượng sắt ở dạng ferric. Vì thế, sắt fumarate (Ferrous fumarate) là thành phần được khuyến khích sử dụng khi có nhu cầu bổ sung sắt cho cơ thể.
Lưu ý: chỉ nên sử dụng theo liều lượng bác sĩ đã chỉ định. Không nên tự ý uống gấp đôi liều lượng cho phép nhằm hạn chế các tác dụng phụ có thể xảy ra.
III. Những điều cần lưu ý khi sử dụng sắt fumarat
Làm gì để hấp thụ sắt tốt nhất?
Sắt fumarat được hấp thu tốt nhất khi dạ dày rỗng (thường nếu uống 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn). Nếu dạ dày nhạy cảm, dễ khó chịu, bạn có thể dùng kèm sắt fumarat cùng với bữa ăn.
Ngoài ra, tránh dùng các thuốc kháng axit, các sản phẩm từ sữa, trà, cà phê hoặc trong vòng 2 giờ trước khi hoặc sau khi dùng sắt fumarat bởi vì chúng sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.
Bên cạnh đó, sau khi bổ sung sắt khoảng 10 phút, nên hạn chế nằm xuống nhằm giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất hiệu quả hơn. Bạn có thể dùng sắt fumarat + axit folic thường xuyên để có hiệu quả tốt nhất. Để tránh quên liều dùng, bạn nhớ uống thuốc cùng một thời điểm mỗi ngày.
Cuối cùng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần trong sắt fumarat hay gặp vấn đề trong việc chuyển hoá sắt (ví dụ như bệnh nhiễm sắc tố sắt mô, dư thừa sắt trong cơ thể) hoặc nồng độ ion sắt trong máu cao.
Tác dụng phụ có thể xảy đến là gì?
Một số tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng sắt fumarat quá liều mà bạn có thể gặp phải gồm:
- Táo bón
- Ăn không ngon
- Phân đen hoặc tối màu
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Đau hoặc khó chịu toàn cơ thể
Không phải ai cũng gặp các tác dụng phụ như trên. Có thể có các tác dụng phụ khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
IV. Có thể bổ sung thêm sắt qua đâu?
Bên cạnh lựa chọn lý tưởng là sắt fumarat thì bạn vẫn có thể bổ sung chất sắt thông qua thực phẩm.
Sắt trong thực phẩm đến từ hai nguồn chính là động vật và thực vật. Trong đó, sắt từ động vật là dạng sắt heme chủ yếu được tìm thấy trong của các loại thịt đỏ, gia cầm và hải sản như: thịt bò, lợn, gà, cừu, cá hồi, tôm, cua, trứng…
Ngoài ra, sắt non-heme được tìm thấy ở thực vật như loại đậu, ngũ cốc, rau xanh đậm, nấm, măng tây… Tuy nhiên sắt có nguồn gốc từ thực vật thường khó hấp thu hơn sắt từ động vật.
Bên cạnh đó để tăng khả năng hấp thụ sắt cho cơ thể, bạn nên kết hợp bổ sung sắt với các thực phẩm giàu vitamin C như: cam, chanh, bưởi, ổi, ớt chuông, kiwi…
Nhìn chung, bạn có thể bổ sung sắt bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó nhanh chóng và hiệu quả nhất là sử dụng thuốc sắt dưới dạng hoạt chất sắt fumarat.
Đặc biệt, những người có nguy cơ cao hay đang bị thiếu máu rất cần bổ sung thêm vi chất này với một lượng nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn và lưu ý một số điều được đề cập trong bài viết trên trước khi sử dụng.
Nguồn tham khảo:
1. Ferrous fumarate
https://www.nhs.uk/medicines/ferrous-fumarate/
2. Ferrous fumarate
https://www.uofmhealth.org/health-library/d03920a1
3. Hướng dẫn bổ sung sắt cho bà bầu trong suốt thai kỳ
4. Thiếu máu thiếu sắt