Chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp có thể góp phần cải thiện các triệu chứng của rối loạn tiền đình, đồng thời ngăn ngừa bệnh tái phát một cách hiệu quả. Vậy người bị rối loạn tiền đình nên ăn gì và kiêng gì?
Rối loạn tiền đình là tình trạng tổn thương khu vực tai trong và não, khiến thông tin dẫn truyền bị sai lệch. Điều này làm cho cơ thể mất khả năng kiểm soát thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn… Bệnh rối loạn tiền đình cũng có thể do các yếu tố di truyền và môi trường.
Ngoài ra, tình trạng tắc nghẽn mạch máu não hoặc bệnh thiếu máu cũng khiến cho quá trình tiếp nhận thông tin của hệ thống tiền đình bị chậm hoặc sai lệch, gây ra hội chứng rối loạn tiền đình.
Người bị rối loạn tiền đình nên ăn gì?
1. Vitamin B6
Vitamin B6 đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe hệ thần kinh. Việc thiếu hụt vitamin B6 sẽ ảnh hưởng tới hệ tiền đình, gây ra các triệu chứng rối loạn tiền đình như chóng mặt, buồn nôn… Vitamin B6 giúp khắc phục nhanh triệu chứng chóng mặt, do đó loại vitamin này rất cần cho người bị rối loạn tiền đình để khắc phục tình trạng trên.
2. Vitamin C
Bổ sung đầy đủ vitamin C là cách để giảm bớt các triệu chứng đau đầu, chóng mặt do rối loạn tiền đình gây nên. Một số nghiên cứu khoa học cho thấy bệnh rối loạn tiền đình có khả năng được kiểm soát hiệu quả khi người bệnh bổ sung 600mg vitamin C mỗi ngày (cùng các hợp chất cơ bản khác) trong suốt 8 tuần.
3. Vitamin D
Vitamin D giúp khắc phục triệu chứng xơ cứng tai, đây là một triệu chứng rất thường gặp ở người bệnh rối loạn tiền đình. Vì vậy, việc bổ sung đủ lượng vitamin D cần thiết rất quan trọng do dưỡng chất này hỗ trợ quá trình điều trị bệnh diễn ra hiệu quả.
4. Acid folic
Acid folic giúp giảm bớt các nguy cơ rối loạn tiền đình ở người lớn tuổi do nó có tác dụng sửa chữa những khiếm khuyết trong hệ thống tiền đình. Các nhà khoa học khuyến cáo người bị bệnh rối loạn tiền đình nên nạp ít nhất 400 mcg acid folic mỗi ngày thông qua chế độ dinh dưỡng hoặc các viên uống bổ sung.
4 loại rau quả tốt cho người bị rối loạn tiền đình
1. Cải bó xôi
Trong cải bó xôi có chứa rất nhiều magie, một chất giúp hệ thần kinh phát triển ổn định. Đồng thời, magie cũng giúp làm giảm các triệu chứng điển hình của bệnh rối loạn tiền đình như: nhức đầu, chóng mặt… Ngoài ra, cải bó xôi còn chứa chất sắt, vitamin C và A, đây là các loại vitamin và khoáng chất giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, vitamin K, canxi, vitamin E và carotenoid trong loại rau này còn có tính chất chống oxy hóa mạnh, tác dụng hiệu quả trong việc khống chế các tế bào ác tính trong cơ thể.
Nên ăn cải bó xôi ở mức độ hợp lý do chúng có chứa nhiều purines, một chất sản sinh ra acid uric nếu hấp thụ quá mức. Hàm lượng acid uric cao trong cơ thể sẽ gây ra bệnh gout và sỏi thận.
2. Đậu nành
Đậu nành chứa nhiều vitamin K, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có tác dụng bảo vệ tế bào thần kinh, chống lại bệnh Alzheimer. Bên cạnh đó, acid béo omega-3 trong đậu nành còn có thể làm giảm tình trạng hoa mắt, một trong những triệu chứng rối loạn tiền đình thường gặp.
3. Khoai tây
Hàm lượng vitamin A và C có trong khoai tây rất dồi dào. Các chất này giúp giảm stress, làm giãn mạch máu, giúp não bộ làm việc tốt hơn và cung cấp lượng máu đầy đủ cho cơ thể. Ngoài ra, chất kukoamine trong khoai tây cũng giúp giữ chỉ số huyết áp ở mức ổn định, từ đó tình trạng chóng mặt, hoa mắt, giữ thăng bằng kém… cũng được cải thiện.
4. Bông cải xanh
Bông cải xanh giúp giảm tình trạng hoa mắt, làm mắt sáng khỏe nhờ có chứa các chất chống oxy hóa, vitamin A, beta-caroten… Đồng thời, bổ sung bông cải xanh vào chế độ ăn còn giúp máu được vận chuyển khắp cơ thể, tránh được tình trạng thiếu oxy, giảm đau tim và đột quỵ.
Tuy nhiên, bông cải xanh lại chứa hàm lượng purines khá cao, dễ làm bệnh gout trở nặng thêm nếu bạn ăn quá nhiều.
Bị rối loạn tiền đình nên kiêng ăn gì?
Người bị rối loạn tiền đình cũng nên hạn chế ăn một số loại thực phẩm và hạn chế dùng một số loại thuốc do chúng có thể làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng hơn. Vậy người bị rối loạn tiền đình nên kiêng ăn gì?
1. Chất béo
Người rối loạn tiền đình nên kiêng chất béo. Khi bạn nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể, lượng cholesterol trong máu sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh rối loạn tiền đình.
Các thực phẩm giàu chất béo mà người bị rối loạn tiền đình cần hạn chế: mỡ động vật, kem, bơ, sữa… Những thực phẩm này chứa nhiều chất béo no, dễ làm tắc tĩnh mạch.
2. Đồ uống có chất kích thích
Người bị rối loạn tiền đình kiêng những đồ uống có chứa chất các kích thích, điển hình là caffeine, do chúng làm tăng triệu chứng ù tai ở người bệnh.
Bên cạnh đó, rượu, bia cũng gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến người bị rối loạn tiền đình. Chúng tác động lên hệ thần kinh, khiến các cơn đau đầu xuất hiện và làm giảm tác dụng của quá trình điều trị bệnh.
3. Một số loại thuốc
Một số loại thuốc cũng có thể khiến cơ bệnh nghiêm trọng hơn:
Thuốc kháng acid: Đây là thuốc có tác dụng trung hòa acid tiết ra trong dịch tiêu hóa ở dạ dày. Người bị rối loạn tiền đình nên tránh dùng loại thuốc này vì chúng có chứa một hàm lượng lớn natri, dễ gây ra các tổn thương ở hệ cơ quan thần kinh, cơ tim và tiêu hóa. Đồng thời, thuốc kháng acid cũng ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, khiến người sử dụng bị chóng mặt, phản ứng chậm chạp, mất thăng bằng và khả năng phối hợp vận động.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Đây là một trong những loại thuốc được sử dụng khá phổ biến để hạ sốt, giảm đau, chống viêm… Một trong các tác dụng phụ của NSAID là gây choáng váng, chóng mặt… vì vậy sẽ khiến triệu chứng bệnh tiền đình trở nên nặng hơn.
Thuốc aspirin: Aspirin có tác dụng hạ sốt và giảm đau nhưng có thể làm tăng mức độ của các triệu chứng bệnh rối loạn tiền đình như ù tai, nhức đầu, chóng mặt…
Hút thuốc lá: Nicotin trong thuốc lá có thể làm tăng các triệu chứng rối loạn tiền đình do nó làm giảm cung cấp máu cho tai trong bằng cách thắt mạch máu, đồng thời cũng gây ra một sự gia tăng ngắn hạn huyết áp. Đây là các yếu tố cộng hưởng nguy hại cho bệnh nhân rối loạn tiền đình.
Nguồn tham khảo:
The Vestibular Diet: Treat Yourself to Balanced Choices – https://www.dizziland.com/the-vestibular-diet-treat-yourself-to-balanced-choices/
Lifestyle Management for Vestibular Disorders – https://soar.usa.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1015&context=capstones