Ferrovit

Cục máu đông trong kinh nguyệt liệu có bình thường?

Cục máu đông trong kinh nguyệt liệu có bình thường?

Cục máu đông trong kinh nguyệt có phải là vấn đề đáng lo?

Có thể bạn sẽ rất thắc mắc khi thấy cục máu đông xuất hiện trong những “ngày đèn đỏ” và tự hỏi rằng liệu cơ thể có đang gặp vấn đề không. Thế nhưng trong hầu hết các trường hợp, cục máu đông là một phần tự nhiên của kinh nguyệt.

Cục máu đông trong kinh nguyệt là một phần tự nhiên của cơ chế bảo vệ cơ thể. Kết cấu đặc, giống như thạch của chúng giúp ngăn máu kinh nguyệt thoát ra quá nhiều. Đây là chức năng đông máu tương tự với những nơi khác trong cơ thể khi xuất hiện các tổn thương mô, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết rách.

Cục máu đông thường xuất hiện khi lượng kinh nguyệt ra nhiều, nhất là trong 2 ngày “đèn đỏ” đầu tiên.

Các cục máu đông trong kinh nguyệt có thể có màu đỏ tươi hoặc đậm dần. Nhiều cục máu đông lớn hơn có thể có màu đen. Máu kinh nguyệt có xu hướng sẫm màu hơn và nâu hơn về cuối mỗi kỳ.

Nguyên nhân gây ra cục máu đông trong kinh nguyệt

Máu kinh nguyệt là niêm mạc tử cung bong ra khi trứng không được thụ thai. Lúc này, niêm mạc tử cung trộn lẫn với máu, sản phẩm phụ của máu, chất nhầy và mô. Chúng sẽ đọng lại ở đáy tử cung, chờ cổ tử cung co thắt và tống ra ngoài

Để hỗ trợ quá trình phân hủy máu và các mô dày này, cơ thể sẽ tiết ra chất chống đông máu để làm chúng mỏng đi và thoát ra khỏi tử cung hơn. Đôi khi lượng máu quá nhiều có thể khiến các chất này không có đủ thời gian để làm việc, dẫn đến việc các cục máu đông trong kinh nguyệt xuất hiện.

Độ đặc của máu thay đổi trong suốt thời kỳ kinh nguyệt và từ chu kỳ này sang chu kỳ khác. Bạn có thể thấy cục máu đông xuất hiện nhiều trong tháng này nhưng lại có ít hơn hay thậm chí không có vào tháng tiếp theo. Sự thay đổi này là tự nhiên hoặc có thể xảy ra do chế độ ăn uống và lối sống.

Cục máu đông trong kinh nguyệt khi nào là bình thường, khi nào là bất thường?

Cục máu đông trong kinh nguyệt được xem là bình thường và không gây ảnh hưởng đến cơ thể nếu chúng có các đặc điểm sau:

  • Có kích thước nhỏ
  • Chỉ thỉnh thoảng xảy ra, thường vào đầu chu kỳ kinh nguyệt của bạn
  • Có màu đỏ tươi hoặc sẫm

Các cục máu đông bất thường có kích thước lớn hơn 1/4 và xảy ra thường xuyên hơn, trong hầu hết các chu kỳ. Điều này có thể báo hiệu cho tình trạng sức khỏe bất ổn. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị kinh nguyệt ra nhiều hoặc bạn có cục máu đông lớn. Tình trạng kinh nguyệt ra nhiều sẽ khiến bạn phải thay băng vệ sinh hoặc tampon sau mỗi 1-2 giờ.

cục máu đông trong kinh nguyệt

Cục máu đông trong kinh nguyệt cũng đôi lúc cảnh báo các vấn đề về sức khỏe

Các yếu tố thể chất và nội tiết tố có thể tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn và khiến kinh nguyệt ra nhiều. Chảy máu nhiều làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.

Xem ngay:  Kinh nguyệt đến sớm: Liệu có nguy hiểm?

1. Polyp tử cung hoặc u xơ

Sự tắc nghẽn trong tử cung có thể khiến tử cung không thể co bóp như bình thường, đồng nghĩa với việc nó không thể đẩy máu kinh ra ngoài nhanh chóng như bình thường. Máu sẽ ra khỏi cơ thể chậm hơn nên sẽ dễ đọng lại và tạo thành cục máu đông.

Sự tắc nghẽn cũng có thể khiến kinh nguyệt ra nhiều, làm nhiều cục máu đông xuất hiện hơn.

Sự tắc nghẽn có thể xảy ra do polyp tử cung và u xơ tử cung. Chúng không phải là ung thư nhưng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác nếu không được điều trị.

Polyp tử cung và u xơ bao gồm nội mạc tử cung hoặc mô cơ phát triển trong thành tử cung. Chúng có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Đau lưng dưới dai dẳng
  • Đau khi quan hệ tình dục hoặc chứng khó thở
  • Cảm thấy đầy hơi
  • Gặp vấn đề sinh sản
  • Kinh nguyệt không đều

cuc máu đông trong kinh nguyệt

2. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là một tình trạng khiến các mô của niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Sự bất thường này có thể gây một số triệu chứng, đặc biệt chúng có thể ảnh hưởng nhiều hơn vào khoảng thời gian hành kinh.

Các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung thường bao gồm:

  • Đau và chuột rút ở xương chậu hoặc lưng dưới
  • Kinh nguyệt ra rất nhiều hoặc rong kinh
  • Đau bụng kinh dữ dội
  • Khó chịu hoặc đau khi quan hệ tình dục
  • Gặp vấn đề sinh sản

3. Bệnh adenomyosis

Bệnh adenomyosis xảy ra khi niêm mạc tử cung phát triển bên trong cơ của thành tử cung bởi một lý do nào đó. Điều này làm cho tử cung to ra và dày lên, phát triển gấp 2-3 lần kích thước bình thường.

Ngoài ra tình trạng này còn khiến kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài, từ đó gây ra cục máu đông trong kinh nguyệt.

4. Mất cân bằng nội tiết tố

Sự cân bằng của các hormone estrogen và progesterone trong cơ thể là điều kiện để niêm mạc tử cung phát triển và dày lên đúng cách.

Nếu mức độ của các hormone này bị mất cân bằng, nhiều vấn đề có thể xảy ra, bao gồm kinh nguyệt ra nhiều hoặc cục máu đông trong kinh nguyệt.

Một số nguyên nhân có thể gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố là:

  • Tiền mãn kinh
  • Thời kỳ mãn kinh
  • Bị stress
  • Tăng hoặc giảm cân đáng kể

Triệu chứng chính của sự mất cân bằng nội tiết tố chính là kinh nguyệt không đều. Ví dụ, kinh nguyệt của bạn có thể đến muộn hơn hoặc kéo dài hơn bình thường hay thậm chí bạn có thể bị mất kinh.

5. Rối loạn chảy máu

Một số rối loạn chảy máu có thể là nguyên nhân dẫn đến lượng kinh nguyệt ra nhiều, vì chúng có thể ảnh hưởng đến các protein đông máu mà niêm mạc tử cung cần để cầm máu. 

Một điển hình của rối loạn chảy máu là bệnh Von Willebrand, bệnh khiến bạn dễ chảy máu, dù chỉ do một vết cắt nhỏ. Đây là căn bệnh hiếm gặp, có khoảng 5-24% phụ nữ mắc tình trạng chảy máu kinh nguyệt nhiều mãn tính có liên quan đến căn bệnh này.

Tóm lại, có một số nguyên nhân khác nhau dẫn đến kinh nguyệt bất thường. Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra cách hiệu quả để điều trị các vấn đề cơ bản và làm giảm tình trạng cục máu đông trong kinh nguyệt.


Nguồn tham khảo:

Are blood clots normal during a period? – https://www.medicalnewstoday.com/articles/322707

What Causes Menstrual Clots and Are My Clots Normal? – https://www.healthline.com/health/womens-health/menstrual-clots

Blood clots during your period: what are they? – https://helloclue.com/articles/cycle-a-z/blood-clots-during-your-period-what-are-they

Máu đóng cục trong kỳ kinh: nguy hiểm hay bình thường? – https://hellobacsi.com/song-khoe/suc-khoe-phu-nu/mau-dong-cuc-trong-ky-kinh/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Close Menu