Tiểu ra máu ở nữ là một triệu chứng bất thường, gây ra nhiều hoang mang cho phái đẹp. Hiện tượng này có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến. Vì thế, bạn cần tìm hiểu các bệnh lý liên quan, xem xét thêm các triệu chứng đi kèm để biết mình có nguy cơ mắc bệnh hay không. Cùng theo dõi bài viết sau để có thêm thông tin về các yếu tố có thể khiến bạn bị tiểu ra máu.
I. Tổng quan về hiện tượng tiểu ra máu ở nữ giới
Trong nước tiểu có lẫn máu không phải là hiện tượng hiếm thấy. Thông thường, lượng máu này ít đến nỗi chỉ có thể được phát hiện qua kính hiển vi. Tuy nhiên, khi có thể quan sát chúng bằng mắt thường, đây có thể là dấu hiệu nguy hiểm.
Đối với nữ giới, tình trạng máu pha lẫn với nước tiểu không đáng quan ngại nếu xảy ra trong kỳ kinh nguyệt. Hiện tượng này có thể là dấu hiệu của một số căn bệnh nguy hiểm nếu xuất hiện ngoài kỳ kinh, kèm theo một số hiện tượng như tiểu buốt, đau âm ỉ vùng bụng dưới. Hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và tư vấn cách điều trị phù hợp.
II. Nguyên nhân gây ra hiện tượng tiểu ra máu
Có rất nhiều bệnh lý có khả năng gây ra hiện tượng tiểu ra máu ở nữ, bao gồm:
1. Viêm đường tiết niệu
Viêm đường tiết niệu xảy ra khi các vi khuẩn xâm nhập và phát triển ở các cơ quan tạo và lưu trữ nước tiểu như bàng quang và niệu đạo. Bên cạnh việc tiểu ra máu, bệnh lý này còn gây cảm giác buồn tiểu liên tục và cảm giác nóng rát khi đi vệ sinh. Một số trường hợp nặng hơn có thể kèm theo cảm giác đau ở bụng và háng. Tuy nhiên, viêm đường tiết niệu có thể không có dấu hiệu rõ rệt nào đối với bệnh nhân lớn tuổi. Đây là căn bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh, kết hợp với lối sinh hoạt lành mạnh và giữ vệ sinh cơ thể thường xuyên.
2. Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể lây lan đến thận thông qua các ống nối của đường tiết niệu. Nhiễm trùng thận có các triệu chứng tương tự viêm đường tiết niệu và kèm theo sốt, đau nhức ở hai bên sườn. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, có thể lây lan sang các bộ phần khác của cơ thể. Vì thế, khi nhận thấy các dấu hiệu trên, bạn cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
3. Sỏi thận
Sỏi thận bắt đầu hình thành trong thận do sự tích tụ của canxi và các khoáng chất kháng trong cơ thể. Khi chúng phát triển đủ lớn, người bệnh sẽ cảm nhận được cảm giác đau ở hông và xương sườn phía sau lưng. Một số viên sỏi nhỏ có thể theo nước tiểu ra ngoài, một số khác to hơn phải được loại bằng phẫu thuật. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng tiểu ra máu.
4. Tác dụng phụ của thuốc
Một số thành phần có trong thuốc đặc trị có thể gây ra hiện tượng tiểu ra máu ở nữ. Thuốc kháng sinh penicillin, aspirin, heparin và thuốc điều trị ung thư cyclophosphamide có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nhận thấy những bất thường sau khi sử dụng một trong những tên thuốc này.
5. Chấn thương
Một chấn động mạnh vào lưng dưới có thể dẫn đến hiện tượng tiểu ra máu ở nữ. Té ngã, tai nạn giao thông, bị một vật nặng đè lên lưng dưới,… là những yếu tố có thể gây tổn thương bên trong. Bạn nên đến ngay bệnh viện gần nhất để thăm khám khi thấy những dấu hiệu bất thường sau chấn thương.
6. Ung thư bàng quang
Máu lẫn trong nước tiểu cũng có thể là dấu hiệu của chứng ung thư bàng quang. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ không nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là lý do bạn cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe tổng quát để có thể tầm soát các bệnh lý từ giai đoạn sớm nhất.
III. Cách chẩn đoán chứng tiểu ra máu ở nữ
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra chứng tiểu ra máu ở nữ, các bác sĩ sẽ tiến hành phân tích mẫu nước tiểu của người bệnh, kèm theo các câu hỏi liên quan đến những triệu chứng khác: số lần đi tiểu trong ngày, cảm giác đau buốt, nóng sốt, đau bụng,… Một số trường hợp nghiêm trọng hơn sẽ đòi hỏi các xét nghiệm khác như chụp CT, MRI, xét nghiệm máu,… để kiểm tra khả năng mắc ung thư bàng quang và các bệnh lý ở thận.
Tuỳ vào nguyên nhân gây bệnh mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ có phác đồ điều trị phù hợp với mức độ và thể trạng của người bệnh. Đối với những trường hợp tiểu ra máu ở nữ do nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ được chữa trị bằng các loại kháng sinh và cách ngăn ngừa nguy cơ tái phát trong tương lai.
Nguồn tham khảo
Blood in urine – Causes, Treatment and Diagnosis
https://www.kidneyfund.org/kidney-disease/kidney-problems/blood-in-urine.html
Blood in urine
https://www.nhs.uk/conditions/blood-in-urine/
Why is there blood in my urine?
https://www.healthline.com/health/urine-bloody#causes
Conditions that cause blood in you urine
https://www.webmd.com/a-to-z-guides/ss/slideshow-blood-in-urine