Ferrovit

Mồ hôi máu – Những điều cần biết

Mồ hôi máu – Những điều cần biết

Bạn đã từng nghe câu chuyện thần thoại hay đọc những tài liệu, xem một số bộ phim về những người anh hùng hay nhân vật vĩ đại nào đó đổ mồ hôi máu? Điều nghe giống như tưởng tượng này thực chất là một tình trạng có thật dù rất hiếm gặp. Không chỉ mồ hôi mà các dịch tiết khác như nước mắt, dịch nhầy cũng có thể lẫn máu.

đổ mồ hôi máu

Mồ hôi máu là một tình trạng rất hiếm gặp. Y học thế giới chỉ mới ghi nhận được một số ít, khoảng 200 ca báo cáo trong thế kỷ XX. Dù vậy, hiện tượng này được cho là đã xuất hiện từ rất lâu qua một số câu chuyện. Ví dụ như trong Kinh thánh có nhắc đến việc chúa Giê-su đã đổ mồ hôi máu khi cầu nguyện trước lúc bị đóng đinh lên thánh giá. Leonardo Da Vinci cũng từng mô tả những binh lính đã đổ mồ hôi máu trước khi ra trận chiến đấu.

Để tìm hiểu thêm về tình trạng kỳ lạ này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau đây.

1. Mồ hôi máu là gì?

Mồ hôi máu (với tên thuật ngữ tiếng Anh là hematidrosis, hematohidrosis hay hemidrosis) là một tình trạng y khoa rất hiếm gặp khiến cho mồ hôi tiết ra có lẫn máu dù trên da không hề có vết cắt hay tổn thương nào. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, thường thấy nhất là ở mặt và trán.

Đến nay, tình trạng này vẫn còn nhiều bí ẩn chưa giải thích được rõ ràng do sự hiếm gặp của nó. Vì thế, các nghiên cứu thường chỉ tập trung vào từng ca bệnh cụ thể. Việc điều trị cũng sẽ dựa trên nguyên nhân cơ bản.

2. Nguyên nhân gây đổ mồ hôi máu là gì?

mồ hôi máu

Thông tin, tài liệu về tình trạng kỳ lạ không có nhiều vì rất hiếm trường hợp được ghi nhận và triệu chứng gặp phải ở mỗi người cũng có khác biệt. Vì lẽ đó, nguyên nhân đổ mồ hôi máu vẫn chưa được biết rõ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng này thường xảy ra khi cảm thấy căng thẳng hoặc sợ hãi tột độ. Khi đó, cơ thể sẽ chuyển qua trạng thái “chiến hay chạy” (fight or flight) – một phản ứng tự nhiên trước các mối đe dọa được cảm nhận thấy. Lúc ấy, cơ thể sẽ tiết ra các chất như adrenalin và cortisol để tăng cường khả năng chiến đấu lại hay bỏ chạy khỏi nguy hiểm. Phản ứng này thường xảy ra trong thời gian ngắn và không gây ra bất kỳ thương tổn lâu dài nào đến sức khỏe.

Thế nhưng, ở một số ít người, phản ứng tự vệ này lại gây vỡ các mao mạch trong cơ thể, đặc biệt là những mao mạch dưới da nằm gần các tuyến mồ hôi. Từ đó, máu có thể thoát ra ngoài qua tuyến mồ hôi.

Căng thẳng dù là thể chất hay tinh thần có thể góp phần gây đổ mồ hôi máu nhưng vẫn chưa đủ để lý giải đầy đủ hiện tượng này. Tỷ lệ người bị căng thẳng, rối loạn lo âu và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác tăng lên trong những năm gần nhưng số người có tình trạng này lại không hề tăng. Điều đó cho thấy có những bất thường khác góp phần gây ra tình trạng hiếm gặp này.

Xem thêm: Bệnh loạn sản tủy là gì

3. Đổ mồ hôi máu có nguy hiểm không?

mồ hôi máu có nguy hiểm không

Khi nghe hay nhìn thấy các trường hợp bị đổ mồ hôi máu, nhiều người thường cảm thấy sợ hãi và nghĩ rằng nó rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng này thường không đe dọa đến tính mạng hay gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng gì.

Xem ngay:  Bệnh thiếu máu thiếu sắt là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Máu bị thoát ra ngoài da là từ các mao mạch nằm gần bề mặt da, không phải từ các tĩnh mạch sâu hay động mạch. Do đó, tình trạng này dường như không thể khiến người bệnh bị mất máu đến tử vong.

Ngay cả những ca bệnh bị đổ mồ hôi máu ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể cũng khó có nguy cơ bị mất máu nghiêm trọng. Dù vậy, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như chóng mặt, lo âu và mất nước ở mức độ vừa phải.

Tình trạng này không liên quan hay không phải là một triệu chứng của bất kỳ bệnh lý đe dọa tính mạng nào. Hiện tượng máu rò rỉ ra cùng với mồ hôi có thể tự hết mà không cần điều trị, các triệu chứng khác cũng giảm dần và tự hết theo thời gian.

Xem thêm: Chảy máu cam có nguy hiểm không

4. Cách điều trị chứng mồ hôi máu

Trước hết, bác sĩ sẽ cần loại trừ hết những bệnh lý khác thông qua nhiều xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Kiểm tra công thức máu
  • Kiểm tra số lượng tiểu cầu
  • Xét nghiệm máu
  • Kiểm tra chức năng gan, thận
  • Xét nghiệm nước tiểu, phân
  • Kiểm tra tâm lý và hệ thần kinh (bao gồm chụp quét não)
  • Sinh thiết tế bào ở khu vực bị ảnh hưởng

Vì đây là tình trạng hiếm gặp và không gây nguy hiểm nên hầu như không có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể nào để điều trị. Để chấm dứt các đợt đổ mồ hôi máu, bác sĩ thường cố gắng xác định và giải quyết tác nhân gây ra căng thẳng về cả thể chất lẫn tinh thần.

Các phương pháp điều trị đều là thử nghiệm vì số lượng người mắc phải tình trạng này quá ít để chứng minh được hiệu quả của bất kỳ cách thức điều trị cụ thể nào. Đa số, khi giảm bớt nguyên nhân gây ra căng thẳng hoặc dùng thuốc chống trầm cảm, lo âu theo chỉ định của bác sĩ có thể giảm bớt các đợt ra mồ hôi máu.

Một số nghiên cứu cho thấy thuốc chẹn thụ thể beta (nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp) cũng có thể giảm bớt hoặc ngừng tình trạng này. Bác sĩ cũng khuyến khích người bệnh thử liệu pháp tâm lý nếu có dấu hiệu trầm cảm, lo âu nặng.

Tóm lại, đổ mồ hôi máu là một tình trạng rất hiếm gặp và thường liên quan đến căng thẳng kể cả tinh thần hay thể chất. Vì tỷ lệ mắc phải tình trạng này rất thấp nên bác sĩ thường giữ người bệnh lại theo dõi một thời gian để tìm cách điều trị hiệu quả.

Nguồn tham khảo:

1. Hematidrosis: Is Sweating Blood Real?

https://www.healthline.com/health/hematidrosis

2. Hematidrosis: Can people sweat blood?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/319110

3. What Is Hematidrosis?

https://www.webmd.com/a-to-z-guides/hematidrosis-hematohidrosis

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Close Menu