Ferrovit

Mang thai lần đầu và những điều mẹ bầu cần lưu ý

Mang thai lần đầu và những điều mẹ bầu cần lưu ý

Mang thai lần đầu là cột mốc vô cùng quan trọng và ý nghĩa với cuộc đời của tất cả chị em phụ nữ. Bạn sẽ trải qua những cảm xúc mới mẻ xen lẫn lo âu vì những thay đổi trong cơ thể. Lần đầu mang thai có biết bao nhiêu vấn đề quan tâm như: dấu hiệu mang thai, dinh dưỡng, cách chăm sóc sức khỏe suốt thai kỳ… Mẹ bầu cần biết tất cả thông tin quan trọng này một cách đầy đủ và đúng cách. Dưới đây là cẩm nang những điều cần biết khi mang thai lần đầu cho mẹ bầu, cùng tìm hiểu nhé.

Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng đầu

Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng đầu

1. Mang thai lần đầu mẹ cần lưu ý đến dấu hiệu có thai

Việc phát hiện thai sớm sẽ giúp cho người mẹ chủ động hơn trong việc thay đổi các thói quen đi đứng hàng ngày, ăn uống hợp lý hơn, tránh các vận động mạnh như chạy, nhảy… sẽ dẫn tới động thai, rất nguy hiểm. 

Đa số các mẹ mang thai lần đầu đều không biết mình có thai cho đến khi trễ kinh và dùng que thử thai. Ngoài việc sử dụng que thử thai, bạn cũng có thể phát hiện dấu hiệu mang thai sớm bằng cách dựa vào các dấu hiệu thay đổi trên cơ thể như: 

  • Máu báo thai, tức là có ra máu nhẹ và dịch âm đạo nhiều hơn, nhưng chưa đến kỳ kinh nguyệt tiếp theo. 
  • Cơ thể cảm thấy mệt mỏi nhiều. 
  • Có hiện tượng đi tiểu nhiều hơn bình thường. 
  • Có cảm giác chán ăn hay chóng mặt, đau đầu hoặc dễ buồn nôn. 
  • Có cảm giác ngực bị căng tức, nhũ hoa chuyển sang màu sẫm hơn. 

2. Những điều bà bầu cần biết để tránh sảy thai khi mang thai lần đầu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sảy thai mà phần lớn thường xảy ra trong giai đoạn khoảng 12-13 tuần đầu tiên của thai kỳ. Nhiều phụ nữ bị sảy thai mà không biết mình đang có thai. Vì vậy việc đầu tiên là cần phải phát hiện mình có thai sớm, việc này sẽ gia tăng tỷ lệ sinh con được khỏe mạnh. 

Có nhiều nguyên nhân gây sảy thai, như có thể do thai dị dạng hoặc sai lệch về nhiễm sắc thể trong lúc quá trình phân bào, độ tuổi mang thai, cũng có thể là do tiền sử gia đình và bản thân. Do đó để tránh những trường hợp xấu xảy ra thì mẹ cần nắm rõ những điều sau: 

  • Uống ít nhất 400mg axit folic mỗi ngày, tốt nhất là nên uống trước khi chuẩn bị mang thai từ 1 đến 2 tháng (nếu có thể).
  • Trong thời gian mang thai 3 tháng đầu này, người mẹ phải tránh các hoạt động mạnh, các môn thể thao vận động dùng sức, mạo hiểm như chạy bộ, nhảy dây, leo núi… 
  • Vận động hợp lý trong thai kỳ cũng là điều vô cùng quan trọng giúp mẹ duy trì thể trạng sức khỏe và tinh thần. Mẹ có thể lựa chọn những bộ môn nhẹ nhàng như yoga, đi bộ… để tăng cường sức khỏe. 
  • Đồng thời, mẹ bầu cần tránh khói thuốc lá và tuyệt đối tránh xa các loại đồ uống chứa cafein, rượu bia, vì đây được coi là những tác nhân gây tình trạng sảy thai, thai nhi bị dị tật… 
  • Đặc biệt, người mẹ cần phải giữ gìn sức khỏe để tránh các bệnh như cảm lạnh, đau bụng, truyền nhiễm. 
  • Cố gắng giảm thiểu những lo lắng, bất an trong thai kỳ, mẹ nên chọn các hoạt động thư giãn như nghe nhạc, đi dạo… 
  • Bên cạnh đó, mẹ nên được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho bà bầu để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.

Mang thai 3 tháng đầu mẹ bầu cần lưu ý gì về dinh dưỡng

những điều mẹ bầu cần biết về dinh dưỡng khi mang thai lần đầu

Dinh dưỡng thai kỳ vô cùng quan trọng. Không phải cứ cho rằng khi mang thai thì mẹ phải ăn uống nhiều gấp hai lần, thật chất mẹ bầu chỉ cần ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sức khỏe cả mẹ và sự phát triển của thai nhi. 

1. Bổ sung các chất dinh dưỡng từ thực phẩm tươi

Việc bổ sung các chất dinh dưỡng từ thực phẩm tươi là điều hết sức quan trọng trong giai đoạn này. Lần đầu mang thai không ít mẹ sẽ gặp phải tình trạng ốm nghén. Đây là hiện tượng phổ biến hết sức bình thường, nên mẹ không nên quá lo lắng nếu cảm thấy không ăn uống được nhiều. 

Hãy nhớ rằng bạn không cần tăng cân trong giai đoạn đầu tiên, mà quan trọng là đầy đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ. Mẹ nên chú trọng đến những chất dinh dưỡng như axit folic, canxi, sắt, protein và vitamin. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, tránh hoa quả hay nước ép quá ngọt vì có thể gây rối loạn dung nạp đường huyết.

Xem ngay:  10 điều cần làm khi chuẩn bị mang thai

2. Những thực phẩm nên kiêng khi mang thai

Mang thai 3 tháng đầu rất quan trọng vì giai đoạn này là tiền đề cho sự phát triển của thai nhi sau này. Mẹ cần lưu ý về dinh dưỡng vì có một số loại thực phẩm không tốt cho giai đoạn này, cần kiêng: 

  • Những thực phẩm nóng như: Ớt, hạt tiêu, mù tạt… 
  • Ba tháng đầu, mẹ bầu nên hạn chế những thực phẩm có tính hàn như nước dừa, rau ngót… 
  • Những loại cá sống dưới tầng nước sâu có chứa thủy ngân không tốt cho thai nhi: Cá thu, cá ngừ 
  • Những thực phẩm gây co thắt, làm mềm tử cung như dứa, đu đủ xanh 
  • Những thực phẩm tái, sống như các món gỏi, tái chanh… 
  • Thực phẩm chưa được tiệt trùng, thịt muối, pho mát mềm… 

Đặc biệt các mẹ cần phải ăn chín uống sôi để bảo vệ cơ thể và sức khỏe của thai nhi tốt nhất.

3.  Lần đầu mang thai cần chú ý đến tâm lý

Trong tất cả các yếu tố trên thì tâm lý là quan trọng nhất khi mang thai 3 tháng đầu. Phụ nữ khi lần đầu làm mẹ sẽ mang nhiều áp lực. Bà mẹ tương lai hầu như không lường trước được những bất ổn tâm lý diễn ra trong suốt thai kỳ. Tâm lý bất ổn của thai phụ cũng bắt nguồn từ những mệt mỏi thể chất. Sự thay đổi hormone gây ra cảm giác buồn nôn, thèm ăn hoặc chán ăn, khó chịu trong người, hay cáu gắt, hay lo lắng… 

Vì thế mẹ bầu phải giữ một tinh thần thoải mái nhất, tránh các trường hợp bị stress, căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Tâm lý vui vẻ tích cực của mẹ kích thích đại não hưng phấn, huyết áp, mạch đập, hít thở, dịch tiêu hóa ở trạng thái cân bằng, điều này vừa có lợi cho sức khỏe của mẹ, vừa cải thiện lượng máu đưa đến phôi thai, giúp thai nhi phát triển tốt. 

Tóm lại, việc phát hiện dấu hiệu mang thai sớm cũng rất quan trọng. Mẹ có thể thay đổi lối sống, nghỉ ngơi để an thai, tránh để thai nhi bị tác động mạnh gây động thai, sẩy thai hoặc những biến chứng ngoài ý muốn. Hy vọng với bài viết này có thể giúp mẹ có thêm những kiến thức để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển toàn diện của bé. 

Xem thêm:

Hướng dẫn bổ sung sắt đúng cách cho bà bầu trong thai kỳ

Cách cải thiện triệu chứng mất ngủ khi mang thai

8 nguyên nhân gây mệt mỏi khi mang thai và cách khắc phục


Nguồn tham khảo: 

Early Pregnancy Symptoms – https://www.healthline.com/health/pregnancy/early-symptoms-timeline

Pregnancy Guide | Stages, Labor & Tips on What to – https://www.drugwatch.com/health/women/pregnancy/

Understanding Miscarriage — Prevention – https://www.webmd.com/baby/understanding-miscarriage-prevention

Những điều cần biết khi mang thai 3 tháng đầu – https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhung-dieu-can-biet-khi-mang-thai-3-thang-dau/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Close Menu