Ferrovit

Bệnh thiếu máu ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh thiếu máu ở trẻ em: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thiếu máu là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ, xảy ra bởi nhiều nguyên nhân. Bệnh thiếu máu ở trẻ em có thể gây nhiều ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Bệnh thiếu máu ở trẻ em là gì?

Bệnh thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em xảy ra do cơ thể trẻ không có đủ lượng hồng cầu cần thiết hoặc do lượng hemoglobin trong cơ thể thấp hơn bình thường. Hemoglobin là nguyên liệu tạo nên tế bào hồng cầu, một loại protein sắc tố đặc biệt có vai trò mang oxy đến mọi tế bào khác trong cơ thể.

Thiếu máu ở trẻ nhỏ sẽ dẫn đến việc các cơ quan trong cơ thể trẻ bị thiếu oxy. Điều này dẫn đến tình trạng bé bị xao, mệt mỏi, kiệt sức…

Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân thiếu máu ở trẻ em. Bệnh thiếu máu ở trẻ em xảy ra do:

  • Cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu
  • Quá nhiều tế bào hồng cầu bị phá hủy
  • Tế bào hồng cầu bị mất do xuất huyết

1. Không sản xuất đủ hồng cầu

Không sản xuất đủ hồng cầu

Bệnh thiếu máu ở trẻ em diễn ra nếu trẻ không nhận đủ lượng sắt hoặc các chất dinh dưỡng cần thiết khác trong chế độ ăn uống.

Sắt là một chất dinh dưỡng có trong thịt, đậu và các loại rau lá xanh. Không có sắt, cơ thể không thể tạo ra hemoglobin trong tế bào hồng cầu, điều này khiến trẻ bị thiếu oxy đến các cơ quan trong cơ thể.

Acid folic và vitamin B12 cũng là nguyên liệu cần thiết để tạo ra hồng cầu. Acid folic có nhiều trong các loại thịt, cá, ngũ cốc… Có thể bổ sung vitamin B12 nhờ các thực phẩm như thịt, sữa, trứng. Trẻ không ăn thịt dễ bị thiếu vitamin B12 do loại vitamin này không có trong rau xanh.

Bên cạnh đó, việc tủy xương sản sinh hồng cầu không phù hợp cũng là nguyên nhân thiếu máu ở trẻ em. Những trẻ thường bị suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, có bệnh lý mãn tính (chẳng hạn như bệnh thận) thì tủy xương sẽ sản sinh hồng cầu ít hơn bình thường. Một số loại thuốc như hóa trị ung thư cũng ức chế việc tủy xương sản sinh ra đủ hồng cầu, khiến trẻ em bị thiếu máu.

Xem ngay:  8 bí quyết "vàng" giúp bạn chăm sóc sức khỏe gia đình thời hiện đại

2. Cơ thể phá hủy quá nhiều tế bào hồng cầu

Cơ thể phá hủy quá nhiều tế bào hồng cầu

Trẻ em bị thiếu máu cũng có thể xảy ra khi trẻ nhỏ bị mắc bệnh tiềm ẩn hoặc bị rối loạn hồng cầu di truyền. Có nhiều nguyên nhân khiến chu kỳ sống của hồng cầu ngắn hơn bình thường, trong khi tủy xương không thể theo kịp với nhu cầu sản xuất lượng hồng cầu mới, gây ra tình trạng thiếu máu.

Một trong những lý do khiến hồng cầu bị cơ thể phá hủy chính là các bệnh lý làm thay đổi hình dạng hồng cầu. Hồng cầu bình thường có hình tròn và dẹt, đây là hình dạng tốt nhất để hồng cầu có thể di chuyển qua những không gian chật hẹp như các mạch máu nhỏ. Tuy nhiên, khi trẻ mắc bệnh hồng cầu hình liềm, các tế bào hồng cầu khi đi qua mạch máu sẽ dễ dàng bị mắc kẹt và phá vỡ hơn.

Trong các trường hợp khác, hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng có thể phá hủy các tế bào hồng cầu. Một số loại thuốc, nhiễm trùng và bệnh cũng là nguyên nhân thiếu máu ở trẻ em.

Xem ngay:  7 triệu chứng bệnh thiếu máu không thể xem thường

3. Mất tế bào hồng cầu do xuất huyết

Mất tế bào hồng cầu do xuất huyết

Khi trẻ mất một ít máu như khi bị đứt tay hoặc chảy máu mũi, tủy xương có thể tạo ra nhiều máu hơn để cơ thể không bị thiếu máu. Nhưng nếu trẻ bị mất nhiều máu hơn do một tai nạn hay bệnh lý nghiêm trọng thì tủy xương lại không thể tạo ra lượng hồng cầu tương đương với tốc độ đủ nhanh để bù lại lượng máu đã mất. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu ở trẻ em.

Trẻ em bị mất máu trong một thời gian dài cũng có thể dẫn đến thiếu máu. Thông thường, lượng sắt mất đi do mất máu sẽ nhiều hơn lượng sắt hấp thụ qua thức ăn. Khi không có đủ chất sắt trong cơ thể, tủy xương không thể tạo ra đủ tế bào hồng cầu. Thiếu máu kéo dài có thể xảy ra ở trẻ em gái đang trong độ tuổi dậy thì, trẻ mắc bị bệnh viêm ruột, đặc biệt nếu trong chế độ ăn uống của trẻ không có đủ chất sắt.

Các dấu hiệu phổ biến của bệnh thiếu máu ở trẻ em

Các dấu hiệu phổ biến của bệnh thiếu máu ở trẻ em

Những triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu ở trẻ em:

  • Da nhợt nhạt, xanh xao hoặc vàng vọt
  • Má và môi tái, nhạt màu
  • Mí mắt và khóe móng tay kém hồng hào hơn bình thường
  • Dễ cáu gắt
  • Trẻ yếu ớt hơn so với bình thường
  • Dễ mệt mỏi, ngủ ngày thường xuyên hơn
  • Trẻ em có tình trạng tế bào hồng cầu bị phá hủy có thể mắc phải chứng vàng da kèm với nước tiểu đậm màu (vàng đậm hay thậm chí là nâu).

Trẻ em bị thiếu máu nặng còn có thể biểu hiện thêm những dấu hiệu như:

  • Hụt hơi
  • Tim đập nhanh
  • Tay và chân bị sưng
  • Nhức đầu
  • Chóng mặt và ngất xỉu
  • Hội chứng chân không yên

Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt nặng cũng có thể ăn những thứ không ăn được, ví dụ như đất sét, bìa các tông, giấy, bụi bẩn… Hành vi này được gọi là Hội chứng Pica thường xảy ra nếu lượng sắt trong cơ thể bé quá thấp và có thể gây táo bón. Hội chứng Pica sẽ chấm dứt nếu tình trạng thiếu máu được điều trị bằng cách bổ sung sắt.

Thiếu máu ở trẻ nhỏ với mức độ nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tập trung và học hỏi của trẻ. Thiếu máu do thiếu sắt mạn tính còn khiến bé suy giảm khả năng phát triển trong thời gian dài hay thậm chí vĩnh viễn.

Xem ngay:  Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em: Nguyên nhân và cách điều trị

Phân độ thiếu máu ở trẻ em

Có 4 cách phân độ thiếu máu ở trẻ:

1. Mức độ thiếu máu

Mức độ thiếu máu được tính dựa trên nồng độ hemoglobin (g/l) trong máu:

Đối tượng Không thiếu máu (g/l) Mức độ thiếu máu (g/l)
Nhẹ Vừa Nặng
Trẻ 6-59 tháng tuổi ≥ 110 100-109 70-99 ≤ 70
Trẻ 5-11 tuổi ≥ 115 110-114 80-109 ≤ 80
Trẻ 12-14 tuổi ≥ 120 110-119 80-109 ≤ 80

2. Diễn tiến thiếu máu

  • Thiếu máu cấp: thiếu máu xuất hiện nhanh, trong thời gian ngắn
  • Thiếu máu mạn: thiếu máu xuất hiện chậm, từ từ và tăng dẫn trong nhiều tháng

3. Nguyên nhân thiếu máu

  • Kém sản sinh hồng cầu: Do tủy xương giảm sinh hoặc rối loạn quá trình sinh các tế bào máu , thiếu các yếu tố tạo máu, thiếu erythropoietin ở bệnh nhân bị bệnh thận.
  • Tan máu: Tăng quá trình phá hủy hồng cầu do các nguyên nhân tại hồng cầu hoặc ngoài hồng cầu.
  • Mất máu: Xuất huyết tiêu hóa trên và dưới, tiểu ra máu, chảy máu trong khó nhận thấy…

4. Đặc điểm hồng cầu

  • Dựa vào kích thước MCV: Để phân biệt hồng cầu to, nhỏ hay bình thường (MCV bình thường 80-100 fl)
  • Dựa vào nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH): Để phân biệt hồng cầu ưu sắc hay nhược sắc (MCH bình thường 320 – 360g/l).
  • Dựa vào chỉ số hồng cầu lưới: Để định hướng nguyên nhân thiếu máu tại tủy xương hay ở ngoại vi (giá trị bình thường là 0,5%-1%).
  • Dựa vào dải phân bố kích thước hồng cầu (RDW): Xác định độ đồng đều và kích thước của hồng cầu (RDW bình thường là 11 đến 14%).

Chẩn đoán và điều trị bệnh thiếu máu ở trẻ em

Chẩn đoán và điều trị bệnh thiếu máu ở trẻ em

1. Phương pháp chẩn đoán bệnh thiếu máu ở trẻ em

Thông thường, các bác sĩ sẽ xác định trẻ có thiếu máu hay không thông qua các xét nghiệm chẩn đoán:

  • Tổng phân tích tế bào máu (CBC) để phát hiện nồng độ hemoglobin, cũng như hematocrit (phần trăm thể tích của hồng cầu trong máu). Xét nghiệm này cũng sẽ cung cấp thông tin về kích thước của các tế bào hồng cầu, tế bào nào có lượng hemoglobin thấp thì có kích thước nhỏ hơn.
  • Xét nghiệm sắt và ferritin trong huyết thanh nhằm xác định xem nguyên nhân thiếu máu có phải do thiếu sắt hay không và lượng chất sắt được lưu trữ trong cơ thể.
  • Số lượng hồng cầu lưới để đo tốc độ tạo ra các tế bào hồng cầu. Trong trường hợp thiếu máu, quá trình sản sinh tế bào hồng cầu sẽ diễn ra chậm hơn.
  • Xét nghiệm phết máu ngoại biên giúp kiểm tra tình trạng các tế bào hồng cầu thông qua kính hiển vi, đôi khi xét nghiệm này còn có thể chỉ ra nguyên nhân gây thiếu máu.
  • Điện di hemoglobin để xác định sự bất thường của huyết sắc tố và chẩn đoán bệnh hồng cầu hình liềm, thalassemia hoặc các dạng thiếu máu di truyền khác.
  • Sinh thiết tủy xương giúp xác định quá trình sản xuất tế bào máu có diễn ra bình thường trong tủy xương hay không.

2. Cách điều trị bệnh thiếu máu ở trẻ em

Điều trị thiếu máu phụ thuộc vào nguyên nhân. Ở trẻ em, nguyên nhân gây thiếu máu phổ biến nhất chính là do cơ thể thiếu sắt từ chế độ ăn uống. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu chất sắt như thịt, trứng, các loại đậu, rau xanh. Một số trẻ có thể cần dùng thuốc bổ sung sắt, acid folic, vitamin C để giúp cơ thể tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn.

Tình trạng thiếu máu do nhiễm trùng thường sẽ biến mất khi nhiễm trùng được điều trị và cơ thể khỏe mạnh trở lại.

Đối với một số loại thiếu máu khác, trẻ có thể cần gặp bác sĩ chuyên khoa và làm các xét nghiệm khác trước khi bắt đầu điều trị.

Đối với trẻ bị thiếu máu nghiêm trọng, trẻ có thể cần truyền máu. Đây là cách nhanh nhất để lấy máu cung cấp oxy cho tất cả các tế bào trong cơ thể.

Xem ngay:  Bổ sung sắt ngay cả khi không có triệu chứng, đúng hay sai?

Các biện pháp phòng ngừa bệnh thiếu máu ở trẻ em

Các biện pháp phòng ngừa bệnh thiếu máu ở trẻ em

Có thể ngăn ngừa tình trạng trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt và thiếu máu do thiếu dưỡng bằng cách cho bé ăn uống hợp lý và cân bằng. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về những món nên hoặc hạn chế để cải thiện tình trạng thiếu máu.

Một số cách để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu dinh dưỡng bao gồm:

  • Không cho bé uống sữa bò khi trẻ dưới 12 tháng tuổi. Cho trẻ dùng sữa bò quá sớm có thể làm giảm lượng sắt hấp thụ trong ruột hay thậm chí gây ra tình trạng chảy máu lẫn trong phân.
  • Sau khi trẻ được 12 tháng tuổi, tránh cho bé uống sữa bò quá 2 cốc mỗi ngày (khoảng 500ml) do loại sữa này thường không có nhiều chất sắt nhưng lại khiến bé cảm thấy no và không muốn ăn thêm các thực phẩm khác.
  • Chế độ ăn uống cho trẻ từ 3 tuổi trở lên nên có sự cân bằng với đa dạng các thực phẩm giúp bổ sung sắt cho trẻ.
  • Khuyến khích trẻ ăn các loại trái cây họ cam quýt hoặc những thực phẩm khác chứa nhiều vitamin C để tăng khả năng hấp thụ chất sắt của cơ thể. Mặc dù rau xanh chứa nhiều chất sắt nhưng đôi khi bé sẽ gặp khó khăn trong việc chuyển hóa, lúc này vitamin C đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ, khiến quá trình này diễn ra trơn tru hơn.

Nguồn tham khảo:

Anemia in Children – https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=anemia-90-P02311

Anemia in Children and Teens: Parent FAQs – https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/chronic/Pages/Anemia-and-Your-Child.aspx

Anemia – https://kidshealth.org/en/parents/anemia.html

What’s Anemia? – https://kidshealth.org/en/kids/anemia.html

Haemoglobin concentrations for the diagnosis of anaemia and assessment of severity –  https://www.who.int/vmnis/indicators/haemoglobin.pdf

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Close Menu