Ferrovit

Bệnh thiếu máu hồng cầu to: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Bệnh thiếu máu hồng cầu to: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Thiếu máu là tình trạng trong máu không đủ các tế bào hồng cầu khỏe mạnh để mang oxy và các chất dinh dưỡng đến các mô của cơ thể dẫn đến bạn cảm thấy mệt mỏi và yếu. Nhưng đối với bệnh thiếu máu hồng cầu to nếu không điều trị sớm sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Việc xác định nguyên nhân thiếu máu và điều trị sớm là rất quan trọng để kiểm soát ảnh hưởng của tình trạng phổ biến này.

Thiếu máu hồng cầu to là gì?

Thiếu máu hồng cầu to là một rối loạn tạo máu trong đó cơ thể bị thiếu máu do các tế bào hồng cầu to hơn mức bình thường, chủ yếu là do sự thiếu hụt hai yếu tố chính đó là vitamin B12 và axit folic. Trong bệnh thiếu máu hồng cầu to, do các tế bào hồng cầu to hơn mức bình thường nên chúng không thể ra ngoài tủy xương để vào máu và vận chuyển oxy, dẫn tới sự thiếu hụt oxy tại các mô và hệ cơ quan trong cơ thể.

Femtoliter (fL) là đơn vị được sử dụng để đo kích thước của các tế bào máu. Thông thường, các tế bào hồng cầu có kích cỡ 80 – 100 femtoliters (fL). Với người mắc bệnh thiếu máu hồng cầu to, có hồng cầu lớn bất thường > 100 fl, dẫn đến số lượng hồng cầu giảm sút và lượng hemoglobin trong hồng cầu cũng suy giảm. Hemoglobin là một protein chứa sắt vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi nồng độ hemoglobin thấp, cơ thể bị thiếu oxy có thể gây ra một loạt các triệu chứng và các vấn đề sức khỏe như tim đập nhanh, khó thở, da xanh xao…

Phân loại:

Bệnh thiếu máu hồng cầu to được chia làm 2 dạng tùy theo rối loạn:

  • Megaloblastic macrocytosis: Dạng rối loạn sao chép AND của hồng cầu, tạo ra những hồng cầu có kích cỡ khổng lồ (Megaloblastic anemia). Đây là dạng thường gặp nhất của thiếu máu hồng cầu to, xảy ra khi tình trạng thiếu vitamin làm ảnh hưởng khả năng sản xuất ADN.
  • Non-megaloblastic macrocytosis: Dạng rối loạn làm gia tăng diện tích màng tế bào của hồng cầu (Nonmegaloblastic macrocytic anemia). Dạng này thường gặp ở người nghiện rượu, người mắc các bệnh lý ở gan (viêm gan, xơ gan…), nhược giáp.

Triệu chứng thiếu máu hồng cầu to

triệu chứng thiếu máu

Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thiếu máu hồng cầu to là mệt mỏi. Các triệu chứng có thể khác nhau tùy từng cá nhân. Các triệu chứng khởi phát từ từ, ở giai đoạn đầu thường không xuất hiện triệu chứng rõ rệt (bệnh nhân thường tình cờ phát hiện khi làm các xét nghiệm về máu). Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

  • Chán ăn, mất vị giác, sụt cân.
  • Mệt mỏi.
  • Da xanh xao.
  • Tim đập nhanh, khó thở.
  • Giảm trí nhớ, khó tập trung…
  • Yếu cơ
  • Viêm lưỡi (sưng lưỡi)/ Cứng lưỡi
  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn
  • Ngứa ran ở tay và chân
  • Tê tứ chi

Biến chứng:

Bệnh thiếu máu hồng cầu to nếu diễn ra trong một thời gian dài và không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây ra các bệnh lý như viêm dây thần kinh ngoại biên, suy giảm trí nhớ… Ngoài ra, còn làm gia tăng nhịp tim, huyết áp, gây ra các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, suy tim… Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu không cung cấp đủ vitamin B12 và folate sẽ tăng nguy cơ dị tật ống thần khinh cho thai nhi.

Thiếu máu hồng cầu to chỉ là một loại thiếu máu. Triệu chứng của tất cả dạng thiếu máu hầu hết đều giống nhau, vì vậy điều quan trọng là bạn cần thực hiện các xét nghiệm máu để chẩn đoán tình trạng cụ thể.

Nguyên nhân gây thiếu máu hồng cầu to

nguyên nhân thiếu máu hồng cầu to

Hai nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất đó là thiếu hụt vitamin B12 và acid folic. Đây là hai yếu tố cần thiết cho việc sản sinh ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh bình thường. Điều này thường xảy ra do cơ thể người bệnh không thể hấp thụ vitamin do một căn bệnh tiềm ẩn hoặc do không tiêu thụ đủ lượng thực phẩm chứa các vitamin này.

1. Thiếu máu do thiếu vitamin B12

Vitamin B12 là tên gọi chung của một nhóm hợp chất hóa học polypyrrole có chứa cobalt và có cấu trúc tương tự nhau như hydroxocobalamin, cyanocobalamin, methylcobalamin…Vitamin B12 là một vitamin nhóm B tan trong nước, tham gia vào quá trình sản sinh ra hồng cầu của máu.

Vitamin B12 có nhiều trong một số loại thực phẩm như thịt, cá, sữa và trứng. Vì vậy người ăn chay thường có nhiều nguy cơ bị thiếu vitamin B12.

Trong một số trường hợp, người bệnh ăn đủ thực phẩm vitamin B12 nhưng không thể hấp thụ vitamin và bị mắc bệnh thiếu máu hồng cầu to hay còn được gọi là “ thiếu máu ác tính, vì do rối loạn tự miễn dịch, ung thư, nghiện rượu hoặc bệnh viêm ruột.

Sự thiếu hụt vitamin B12 còn vì chủ yếu là do cơ thể thiếu một số loại protein trong dạ dày gọi là “yếu tố nội”. Nếu không có yếu tố nội, vitamin B12 sẽ không được hấp thu, cho dù là bạn ăn rất nhiều đi nữa.

2. Thiếu máu do thiếu folate

Folate hay còn gọi vitamin B9 cũng là vitamin nhóm B tan trong nước, cần thiết cho quá trình tạo máu và tổng hợp axit nucleic trong cơ thể. Là một dưỡng chất thiết yếu vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các tế bào hồng cầu.

Folate có nhiều trong các loại thực phẩm như gan bò, cải xoong, rau chân vịt và các loại ngũ cốc. Folate hay axit folic đều là vitamin B9. Chúng khác nhau ở chỗ axit folic là dạng tổng hợp của folate có trong các viên uống bổ sung hay thực phẩm chức năng, còn folate là dạng dẫn xuất của tetrahydrofolate trong tự nhiên có trong thực phẩm.

Phụ nữ trong giai đoạn có thai và cho con bú cần nhiều folate để cung cấp dinh dưỡng cho sự phát triển của thai nhi nên có nguy cơ cao bị thiếu loại vitamin này. Việc ăn uống kiêng khem các loại rau xanh giàu folate cũng có thể dẫn đến nguy cơ bị thiếu chất này. Ngoài ra có một số bệnh ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ folate của cơ thể, chẳng hạn như bệnh celiac.

Cách điều trị thiếu máu hồng cầu to

cách điều trị thiếu máu

Trong hầu hết các trường hợp, cách điều trị tình trạng thiếu máu hồng cầu to là tiêm vitamin. Cách này nhằm đảm bảo cơ thể có thể hấp thụ những chất vitamin cần thiết và kịp thời ngay cả khi cơ thể có tình trạng tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh celiac (bệnh ngăn chặn sự hấp thụ vitamin).

Các phương pháp điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu to còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Kế hoạch điều trị cũng đồng thời phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe cũng như đáp ứng với điều trị của người bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12 và folate bao gồm:

  • Trứng
  • Sữa
  • Đậu lăng
  • Thịt đỏ, thịt cá
  • Động vật có vỏ như tôm, sò, hàu
  • Ngũ cốc nguyên hạt bổ sung vitamin B12
  • Trái cây giàu vitamin C như cam giàu folate
  • Rau lá xanh đậm, như cải xoăn và rau bó xôi rất giàu folate

Ngoài ra, bạn có thể dùng thuốc bổ sung sắt, vitamin B12 và axit folic nếu không thể cung cấp đầy đủ các dưỡng chất bằng thực phẩm. Nhất là đối với phụ nữ mang thai nhu cầu sắt và axit folic cao hơn so với người bình thường để hỗ trợ cho sự phát triển của thai nhi.

Hy vọng bài viết này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về thiếu máu hồng cầu to là gì, nguyên nhân thiếu máu hồng cầu to, triệu chứng, biến chứng, cách chẩn đoán và điều trị. Bạn hãy nhớ xây dựng thực đơn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất sắt, vitamin B12, folate để giảm nguy cơ cao mắc tình trạng thiếu máu, đặc biệt nếu bạn đang mang thai.

Xem ngay:  7 vai trò quan trọng của chất sắt đối với cơ thể

Nguồn tham khảo:

Megaloblastic Anemia – https://www.healthline.com/health/megaloblastic-anemia

Megaloblastic Anemia – https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537254/

Megaloblastic Anemia and Pernicious Anemia – http://www.danafarberbostonchildrens.org/conditions/blood-disorders/pernicious-anemia.aspx

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Close Menu