Ferrovit

6 nguyên nhân khiến bạn nữ tuổi dậy thì gặp phải tình trạng rụng tóc

6 nguyên nhân khiến bạn nữ tuổi dậy thì gặp phải tình trạng rụng tóc

Bên cạnh các vấn đề như mụn, phát triển sinh lý, thay đổi tâm lý… thì rụng tóc cũng là một vấn đề nhiều bạn nữ gặp phải trong giai đoạn dậy thì. Tình trạng này gây nên nhiều rắc rối hay thậm chí là tâm lý tự ti, mặc cảm. Vậy đâu là nguyên nhân gây rụng tóc ở tuổi dậy thì và biện pháp khắc phục là gì?

Hầu hết mọi người mất khoảng 50 đến 100 sợi tóc mỗi ngày và những sợi tóc này sẽ được thay thế, mọc lại trong cùng một nang tóc. Lượng rụng tóc này là hoàn toàn bình thường và bạn không cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu lượng tóc bị rụng đi nhiều hơn thế, có thể cơ thể bạn có điều gì đó không ổn.

Nguyên nhân gây rụng tóc ở tuổi dậy thì

Thật không may, có rất nhiều nguyên nhân gây rụng tóc ở tuổi dậy thì. Trước khi bắt đầu thử các phương pháp điều trị rụng tóc khác nhau, bạn cần tìm ra nguyên nhân cơ bản của nó để vấn đề được khắc phục một cách hiệu quả nhất.

Dưới đây là 6 nguyên nhân khiến bạn nữ tuổi dậy thì bị mất đi mái tóc khỏe đẹp.

1. Nội tiết tố

Nội tiết tố là nguyên nhân rụng tóc ở tuổi dậy thì

Cơ thể nữ giới khi bước vào độ tuổi dậy thì sẽ phải trải qua nhiều thay đổi, bao gồm cả những thay đổi về nội tiết tố. Những hormone này sau đó sẽ làm thay đổi cảm xúc, thói quen ăn uống và sự phát triển của tóc.

Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng rụng tóc nằm ở một loại hormone đặc biệt có ở cả nam và nữ. Các hormone gây rụng tóc chính là dihydrotestosterone (DHT). Hormone này thường xuất hiện ở nam giới nhưng cơ thể phụ nữ và trẻ em gái cũng có thể chứa một lượng nhỏ testosterone.

Một số loại enzyme nằm trong tuyến dầu của tóc khiến testosterone thay đổi thành DHT. Sau đó, DHT làm thu nhỏ các nang tóc, khiến tóc rụng. 

Bạn nữ tuổi dậy thì có thể trải qua tình trạng rụng tóc này cho đến khi các hormone trong cơ thể cân bằng trở lại.

2. Dùng một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể gây rụng tóc ở cả thanh thiếu niên và người lớn, đặc biệt là những loại làm thay đổi hormone. Điển hình là thuốc tránh thai thường được các bạn nữ tuổi teen dùng nhằm để làm giảm hội chứng buồng trứng đa nang hoặc kiểm soát mụn trứng cá.

Bên cạnh đó, một số loại thuốc khác cũng có thể gây rụng tóc, bao gồm thuốc chống đông máu, thuốc chẹn beta và thậm chí là cả vitamin A liều cao.

3. Thiếu dinh dưỡng

Việc ăn uống thiếu dinh dưỡng cũng có thể là nguyên nhân gây rụng tóc ở tuổi dậy thì. Khi cơ thể không được bổ sung đủ chất, nó sẽ cố gắng để dành lượng dinh dưỡng ít ỏi này cho chức năng duy trì sự sống. Do đó, việc để dành dưỡng chất cho tóc không phải điều mà cơ thể ưu tiên trong lúc này.

Không hấp thụ đủ vitamin và các chất dinh dưỡng thiết yếu như protein, sắt… từ chế độ ăn uống có thể làm tóc yếu, khô và gãy rụng. Cuối cùng, các nang tóc thậm chí có thể bị viêm đến mức không còn khả năng mọc tóc mới.

Thiếu các chất dinh dưỡng này có thể gây nên tình trạng rụng tóc ở tuổi dậy thì:

  • Sắt: Các nghiên cứu cho thấy tình trạng rụng tóc ở phụ nữ có liên quan trực tiếp đến sự thiếu hụt chất sắt.
  • Kẽm: Thiếu kẽm khiến tóc khô, yếu, dễ gãy rụng. Ngược lại, bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp bạn sở hữu mái tóc bóng khỏe.
  • Niacin (vitamin B3): Thúc đẩy lưu thông máu ở da đầu, sản xuất dầu tự nhiên cho tóc. Ngoài ra, nó còn giúp chân tóc chắc khỏe, ngăn ngừa rụng tóc.
  • Biotin (vitamin B7): Giúp tóc chắc khỏe, ngăn rụng tóc nhờ khả năng cải thiện rõ rệt kết cấu của keratin trong cơ thể.
  • Protein và acid amin: Protein chính là thành phần chủ yếu cấu tạo nên tóc. Acid amin phân hủy từ protein hình thành nên keratin hay còn gọi là lớp sừng của tóc, móng. 

4. Tạo kiểu tóc quá mức

Tóc rụng do tạo kiểu tóc quá mức

Sử dụng quá nhiều dụng cụ tạo kiểu tóc ở nhiệt độ cao như máy uốn tóc, máy duỗi tóc và máy sấy cùng với các sản phẩm chứa hóa chất có thể làm giảm sức khỏe tổng thể của tóc và khiến tóc bị rụng sớm. 

Ngoài ra, các kiểu tóc buộc chặt như tóc đuôi ngựa, bím tóc và búi tóc sẽ khiến các sợi tóc liên tục bị kéo ra phía sau. Từ đó, gây áp lực lớn lên các nang tóc, khiến chúng dễ gãy rụng.

5. Bị chứng rối loạn tâm lý Trichotillomania

Trichotillomania là một rối loạn tâm lý, được xem là một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Tình trạng này khiến người bệnh liên tục nhổ tóc trong vô thức, thường nhằm mục đích giải tỏa căng thẳng. Điều đó có thể để lại các mảng hói ở da đầu, tóc gãy rụng và nang tóc bị tổn thương. 

Những người mắc bệnh trichotillomania thường cần sự giúp đỡ từ bác sĩ trị liệu hoặc chuyên gia tâm lý để có thể ngừng nhổ tóc.

6. Một số bệnh lý cũng gây rụng tóc ở tuổi dậy thì

Các tình trạng liên quan đến hệ nội tiết như bệnh tiểu đường không kiểm soát được hoặc bệnh tuyến giáp có thể cản trở việc mọc tóc và gây rụng tóc. Sự mất cân bằng hormone do hội chứng buồng trứng đa nang cũng có thể gây rụng tóc ở các bạn gái tuổi teen cũng như phụ nữ trưởng thành.

Một số bệnh rối loạn tự miễn cũng có thể dẫn đến rụng tóc, điển hình là lupus ban đỏ. Khi mắc bệnh, các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch sẽ tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, bao gồm cả nang lông. 

Nếu bạn bắt đầu nhận thấy các triệu chứng cụ thể khác bên cạnh việc rụng tóc, hãy đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe ngay lập tức.

Cách ngăn ngừa và điều trị rụng tóc ở tuổi dậy thì

Cách ngăn ngừa và điều trị rụng tóc ở tuổi dậy thì

Cách tốt nhất để điều trị rụng tóc là giải quyết tận gốc vấn đề. Bạn hãy áp dụng các biện pháp dưới đây để giúp mái tóc khỏe mạnh hơn:

  • Áp dụng chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thiết yếu cho mái tóc với lượng calo phù hợp.
  • Gội đầu bằng loại dầu gội phù hợp, để tóc khô tự nhiên, tránh dùng máy sấy để làm khô tóc, chải tóc nhẹ nhàng khi tóc khô. 
  • Sử dụng các loại dầu dưỡng từ thiên nhiên, chẳng hạn như dầu argan hoặc dầu dừa chữa rụng tóc, chăm sóc tóc.
  • Hạn chế dùng các thiết bị tạo kiểu tóc bằng nhiệt độ cao, các hóa chất tạo kiểu tóc hoặc thường xuyên uốn, nhuộm… để thay đổi kiểu tóc.
  • Kiểm tra sự mất cân bằng nội tiết tố bất thường và gặp bác sĩ để điều chỉnh do việc rụng tóc có mối liên hệ với chức năng nội tiết tố.
  • Giảm căng thẳng, áp lực học tập bằng việc tham gia các hoạt động tập thể, tâm sự với người thân, làm những điều bản thân yêu thích, tập yoga… 
  • Kích thích da đầu bằng phương pháp massage.

Nếu tình trạng rụng tóc vẫn tiếp diễn sau nhiều tháng với lượng tóc rụng nhiều, bạn nên gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gốc rễ.

Xem ngay:  5 "thần dược" tự nhiên chữa rụng tóc tại nhà

Nguồn tham khảo:

5 common causes for hair loss in teenage girls – https://www.foxnews.com/health/5-common-causes-for-hair-loss-in-teenage-girls

Hair Loss – https://www.hopkinsallchildrens.org/patients-families/health-library/healthdocnew/hair-loss

What’s Causing My Child’s Hair to Fall Out and How Do I Treat It? – https://www.healthline.com/health/hair-loss-in-children

How is Puberty Related to Hair Loss? – https://canadianhair.ca/how-is-puberty-related-to-hair-loss/

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Close Menu