Ferrovit

10 điều cần làm khi chuẩn bị mang thai

10 điều cần làm khi chuẩn bị mang thai

Chào đón những thiên thần nhỏ xuất hiện trong cuộc đời của bạn hoàn toàn không phải là việc đơn giản. Do đó, bạn cần sẵn sàng khi chuẩn bị mang thai để đem lại nhiều lợi ích lâu dài cho mẹ và bé. Vậy đâu là những điều cần làm khi bạn đã sẵn sàng làm mẹ?

Tại sao bạn cần chuẩn bị cho việc mang thai?

Chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cho việc mang thai sẽ giúp gia tăng cơ hội thụ thai. Tập trung bổ sung dinh dưỡng trước khi mang thai sẽ giúp người mẹ đảm bảo đạt được điều kiện sức khỏe tốt nhất trong suốt thai kỳ và đảm bảo em bé có nền tảng phát triển tốt nhất.

Bên cạnh đó, việc xây dựng kế hoạch cụ thể trước khi mang thai sẽ giúp các cặp vợ chồng chuẩn bị tốt về tài chính và tinh thần để sẵn sàng đón con yêu chào đời, cũng như những thay đổi trong cuộc sống ở giai đoạn mang thai.

10 điều cần làm để chuẩn bị cho việc làm mẹ

Để có hành trang vững chắc nhất trước khi mang thai, Iron Woman sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc “Chuẩn bị mang thai nên làm gì?” qua những lời khuyên dưới đây:

1. Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và ngưng dùng thuốc ngừa thai

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt và ngưng dùng thuốc ngừa thai

Khi có ý định mang thai, bạn nên theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình để biết được thời gian rụng trứng. Quan hệ vào thời điểm rụng trứng sẽ có cơ hội mang thai cao hơn.

Bạn nên ngừng các biện pháp tránh thai như uống thuốc hoặc đặt vòng… khi có ý định mang thai. Sau khi ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai trong một thời gian thì việc rụng trứng mới có thể đều đặn trở lại, khả năng có thai cũng từ đó diễn ra như bình thường.

2. Khám sức khỏe tổng quát

Khám sức khỏe tổng quát khi chuẩn bị mang thai

Mục tiêu chính của việc chuẩn bị này là tìm ra những yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến thai kỳ. Xác định các yếu tố này trước khi mang thai giúp tăng cơ hội mang thai và em bé khỏe mạnh hơn.

Tại đây, bác sĩ sẽ tìm hiểu về tiền sử bệnh của bạn và gia đình, các loại thuốc bạn đang sử dụng… Bạn và chồng cũng sẽ được thực hiện các kiểm tra di truyền để chắc hai người không bị mắc các bệnh lý di truyền nghiêm trọng. Ngoài ra, trong trường hợp bạn bị tiểu đường, hen suyễn hoặc cao huyết áp, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn điều trị trước khi mang thai để cả mẹ và bé được an toàn và khỏe mạnh trong cả thai kỳ.

3. Tiêm phòng

Tiêm phòng khi chuẩn bị mang thai

Một số bệnh có thể gây nguy hiểm cho mẹ và các dị tật ở thai nhi. Do đó, nếu chưa tiêm thì bạn nên tiêm phòng những loại bệnh sau khi chuẩn bị mang thai:

  • Rubella
  • Sởi
  • Quai bị
  • Thuỷ đậu
  • Cúm

Việc tiêm phòng nên được thực hiện ít nhất 1-3 tháng trước khi mang thai. Không nên tiêm phòng trong giai đoạn thai kỳ vì một số loại vắc-xin có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm.

4. Áp dụng chế độ ăn lành mạnh

Áp dụng chế độ ăn lành mạnh

Hầu hết các chất dinh dưỡng đều đến từ những loại thực phẩm bạn sử dụng hàng ngày nên việc áp dụng một kế hoạch ăn uống hợp lý, đầy đủ lượng dưỡng chất sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Tiêu chí dinh dưỡng trong giai đoạn này không phải ăn nhiều mà là ăn đủ chất dinh dưỡng, biết được những chất nào xuất hiện trong bữa hàng ngày. Một chế độ dinh dưỡng tốt cho phụ nữ chuẩn bị mang thai nên bao gồm nhiều loại trái cây, rau tươi và ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, phụ nữ nên bổ sung thêm các loại thức ăn chứa acid folic và sắt trong giai đoạn này vì chúng giúp làm giảm nguy cơ bệnh tật ở trẻ sơ sinh.

Tìm hiểu: Phụ nữ có thai nên ăn gì

5. Hình thành thói quen sinh hoạt tốt

Hình thành thói quen sinh hoạt tốt

Người mẹ có thói quen hút thuốc, uống rượu và sử dụng thuốc có thể gây hại đối với sức khỏe thai nhi, cũng như là giảm chất lượng thụ thai. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ chính là thời điểm thai nhi dễ bị tổn thương nhất. Nếu bạn đang có lối sống tiêu cực này này, hãy cố gắng từ bỏ ngay từ trước khi mang thai để làm giảm hoặc thậm chí loại bỏ nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh.

Xem ngay:  Bệnh thiếu máu cơ tim là gì? Nguyên nhân và cách điều trị thiếu máu cơ tim

Bên cạnh đó, bạn cũng nên ngừng uống trà đặc và cà phê. Hấp thụ caffeine quá nhiều có thể làm giảm khả năng sinh sản.

Để chuẩn bị cho thai kỳ khỏe mạnh, bạn nên hình thành thói quen sinh hoạt tốt bằng cách hạn chế sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe, tập thói quen ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Thực hiện các liệu pháp massage, yoga, thiền… để cải thiện sức khỏe tinh thần.

6. Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết

Bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết

Bạn nên bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cần thiết mỗi ngày, trước khi chuẩn bị mang thai từ 1-3 tháng để cả mẹ và bé luôn khỏe mạnh về sau. Các chất cần thiết trong giai đoạn chuẩn bị mang thai:

  • Acid folic: giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh (những dị tật xảy ra từ ngày thứ 28 sau khi thụ thai, khi ống thần kinh hình thành).
  • Sắt: Sắt tham gia quá trình vận chuyển oxy tối cần thiết cho sự phát triển của thai, đồng thời giúp mẹ tránh nguy cơ thiếu máu. Việc bổ sung sắt trước khi mang thai là đều cần thiết.
  • Canxi: Đây là nguyên liệu chính để hình thành xương và răng của bé. Trong thai kỳ, nếu mẹ không bổ sung đủ canxi thì bé sẽ sử dụng chính canxi từ cơ thể mẹ, gây ra nguy cơ thiếu hụt canxi ở thai phụ.
  • Omega-3: Bổ sung đầy đủ DHA/EPA trước khi có thai giúp tăng khả năng thụ thai, đảm bảo cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho sự làm tổ của bào thai.
  • Vitamin D: Rất quan trọng đối với sự phát triển xương và răng của thai nhi. Ngoài ra, hấp thụ vitamin D có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tự kỷ ở trẻ nhỏ.
  • Iot: Đóng vai trò quan trọng trong việc giúp tuyến giáp tổng hợp các hormone cần thiết để điều chỉnh quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Thiếu iot có thể làm cho quá trình trao đổi chất suy giảm, gây ảnh hưởng đến não bộ của bé.

7. Tập thể dục

Tập thể dục khi chuẩn bị mang thai

Tập thể dục sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm căng thẳng và giúp việc thụ thai dễ dàng hơn. Cơ thể bạn cũng khỏe mạnh hơn trong thai kỳ, nhờ đó có thể chống lại bệnh tật

Bạn có thể áp dụng các bài tập nhẹ như yoga, aerobic hoặc bơi lội. Nếu không có thời gian, bạn có thể đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra, để có thể vận động nhiều, bạn nên đi thang bộ thay vì thang máy, đi bộ đến những địa điểm gần bạn…

8. Chuẩn bị tâm lý thoải mái

Chuẩn bị tâm lý thoải mái

Chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng về mặt tâm lý sẽ giúp phụ nữ bớt lo lắng, phiền muộn trong thời kỳ mang thai. Các nhà khoa học cho biết, phụ nữ bị stress sẽ có khả năng thụ thai thấp hơn những người có tâm trạng thoải mái và ổn định.

Bạn cũng nên cố gắng duy trì tâm lý thoải mái trong giai đoạn mang thai. Mẹ có tâm lý tốt sẽ khỏe mạnh hơn trong thai kỳ, trẻ sinh ra cũng không mắc các tình trạng bệnh tật. Ngoài ra, có một tâm lý vững vàng cũng giúp quá trình sinh nở và hồi phục sau sinh diễn ra nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.

9. Bổ sung kiến thức về thai kỳ và nuôi dạy trẻ

Bổ sung kiến thức về thai kỳ và nuôi dạy trẻ

Đọc sách về quá trình mang thai, dạy con càng nhiều càng tốt và càng sớm càng tốt, đặc biệt là đối với những người lần đầu làm bố mẹ. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tham gia một số lớp học tiền sản để thu nạp thêm kiến thức và thông tin về thời kỳ mang thai, cũng như cách chăm sóc trẻ sơ sinh.

10. Sẵn sàng về mặt tài chính

Sẵn sàng về mặt tài chính khi chuẩn bị mang thai

Chăm sóc thai phụ, sinh con cũng như nuôi dạy con là việc tốn kém khá nhiều chi phí. Bạn có thể sẽ phải chi trả rất nhiều thứ như chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, mua đồ dùng… để chăm sóc sức khỏe cho giai đoạn mang thai, cho ngày chuyển dạ, chăm sóc hậu sản và cả một thời gian dài nuôi con sau này.

Do đó, chuẩn bị tài chính ổn định khi có ý định mang thai sẽ có thể giúp gia đình bạn vững tin hơn trong tương lai, bé của bạn cũng sẽ có cơ hội được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất.


Nguồn thao khảo:

Preparing for Pregnancy: 5 Things You Can Do to Get Your Body Ready – https://www.healthline.com/health/pregnancy/tips-to-get-your-body-ready-for-pregnancy

Your Prepregnancy Checklist – https://www.webmd.com/baby/ss/slideshow-prepregnancy-checklist

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Close Menu